
PCB (viết tắt tiếng Anh Polychlorinated Biphenyls) là một chất hữu cơ không có trong tự nhiên mà do con người tổng hợp tạo ra từ những năm 1881, sau đó được thương mại hóa và ứng dụng như một chất phụ gia trong các sản phẩm công nghiệp khác nhau. Trong thiết bị điện, PCB được bổ sung vào trong dầu cách điện của máy biến áp lực hoặc tụ điện nhằm mục đích tăng tính cách điện, tính tản nhiệt. Sau khi phát hiện độc tính của PCB, hầu hết các hãng sản xuất thiết bị điện đã ngưng sử dụng PCB từ những năm cuối của thập niên 1970.
Tuy nhiên, do đặc tính bền vững trong môi trường tự nhiên, nên phần lớn PCB đã sản xuất vẫn còn tồn lưu (nếu không chủ động xử lý). Vì vậy, nhằm mục đích bảo vệ an toàn cho sức khỏe con người và sự thân thiện của môi trường trước nguy cơ từ các chất thải hữu cơ khó phân hủy (trong đó có PCB), ngày 22-5-2001, một công ước về quản lý các chất POP đã được ký kết, thường được gọi là Công ước Stockholm và có hiệu lực từ ngày 17-5-2004.

Hầu như không còn máy biến áp sử dụng dầu nhiễm PCB trên 50ppm vận hành trên lưới điện TPHCM.
Ngày 22-7-2002, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 14 của công ước. Đến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg ngày 10-8-2006). Theo đó, Việt Nam sẽ loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn các chất nhiễm PCB vào năm 2028.
Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” là dự án quan trọng hàng đầu nhằm triển khai Kế hoạch quốc gia 184/2006/QĐ-TTg, được tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án do Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong đó, EVN được giao làm chủ trì một hợp phần, chủ yếu nằm trong Gói thầu dịch vụ số 1 - CS1 do EVN là đại diện chủ đầu tư ký với Công ty tư vấn Witteveen Boss (gọi tắt là Tư vấn) từ tháng 1-2013. Nhiệm vụ chính của gói thầu Tư vấn: thống kê nồng độ PCB trong các máy biến áp do EVN quản lý; xây dựng kế hoạch quản lý PCB cho một số các đơn vị của EVN; lập cam kết bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường cho 4 địa điểm EVN dự kiến xây kho trình diễn về lưu giữ PCB và một số các tư vấn kỹ thuật khác. Theo dự án thành phần này, Tổng công ty Điện lực TPHCM (và các đơn vị trực thuộc khác của EVN có quản lý máy biến áp) đã được EVN phân bổ lấy mẫu dầu máy biến áp theo nguyên tắc ưu tiên lấy các máy có năm sản xuất từ năm 1990 trở về trước, số máy biến áp được chọn lấy mẫu chiếm khoảng 30% trên tổng số máy (bao gồm cả máy đã tách vận hành và máy dự phòng).
Tính đến ngày 15-9-2014, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCM) đã đảm bảo tiến độ lấy mẫu theo yêu cầu của dự án. Các máy biến áp đã được chọn và lấy mẫu dầu đều được dán nhãn (mã vạch) để cập nhật quản lý và theo dõi nghiêm ngặt. Từ quá trình triển khai công tác kiểm soát lây nhiễm chất PCB theo hướng dẫn của EVN và nhất là từ sự tham vấn của Tư vấn Witteveen Boss trong quá trình triển khai dự án, cũng như qua hội nghị giữa kỳ xem xét kết quả thực hiện, đã có một số thành tựu về kiểm soát khả năng dầu nhiễm PCB trong các máy biến áp đang vận hành trên lưới điện TPHCM.
Theo đó, trong phạm vi quản lý của tổng công ty, có thể nói hầu như không còn khả năng tồn máy biến áp sử dụng dầu nhiễm PCB trên 50ppm đang còn vận hành trên lưới điện. Lý do là vì Việt Nam không phải là nước sản xuất PCB, mặc dù sau khi tiếp quản lại hệ thống điện vẫn còn khả năng tồn tại một số máy biến áp sản xuất trước những năm 1975 thuộc nhóm tên sản phẩm được tư vấn khuyến cáo là nhiều khả năng có dầu nhiễm PCB. Tuy nhiên, sau gần 40 năm, đặc biệt do đặc thù TPHCM, có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh nên các máy biến áp sản xuất trước đây đã không còn vận hành trên lưới, nếu có (rất ít), thì các máy này cũng đã phải trải qua đại tu, cải tạo (ví dụ: sử dụng lại cuộn dây, vỏ máy…) và dầu mới thay thế là dầu không có PCB.
Bên cạnh đó, hầu hết các máy biến áp đang vận hành trên lưới đều do các nhà sản xuất trong nước cung cấp (trên 90%), là sản phẩm không sử dụng dầu có chứa PCB, như: Công ty Thiết bị điện Thibidi (Biên Hòa), Công ty Cơ điện EMC (Thủ Đức), Công ty cổ phần Thiết bị điện Đông Anh (Hà Nội), Công ty ABB Việt Nam… Tỷ lệ máy biến áp do nước ngoài sản xuất rất ít, trong đó phần lớn là máy biến áp thuộc dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 1996 - 1999, các máy biến áp này do hãng VE (Ấn Độ) sản xuất và đều sử dụng dầu Non PCB.
Qua kết quả thử nghiệm mẫu dầu đã lấy trong đợt đầu tiên, 600/600 mẫu dầu của các máy đang vận hành đều có kết quả không nhiễm PCB. Ngoài ra, quá trình tham gia dự án cũng góp phần nâng cao năng lực truyền thông nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, năng lực của các đơn vị quản lý vận hành… để từ đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung của cả dự án này.
NGỌC HÙNG
Ban AT&BHLĐ - EVNHCMC