Bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến TPHCM. Theo nhiều chuyên gia về phát triển đô thị, TP cần nghiên cứu tới việc giảm thiệt hại do tình trạng ngập nước gây ra. Đây cũng là phương thức ứng phó hiệu quả với BĐKH của nhiều đô thị trên thế giới. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, về nội dung nêu trên.
Phay ngăn triều giúp nhiều khu vực tại TPHCM không xảy ra ngập Ảnh: CAO THĂNG
3 nhóm chính sách
°PHÓNG VIÊN: Thưa ông, để giảm thiệt hại do ngập nước gây ra, TPHCM phải bắt đầu từ công việc gì?
°Ông PHẠM TRẦN HẢI: Trước hết, TPHCM phải xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro do ngập nước gây ra. Thứ nhất, phải thiết lập cơ chế điều phối vùng trong kiểm soát rủi ro ngập nước giữa TPHCM và các tỉnh lân cận, trong khuôn khổ các vùng địa lý, sinh thái như vùng TPHCM, vùng lưu vực sông Sài Gòn, vùng lưu vực sông Đồng Nai… Bởi bản chất của việc kiểm soát ngập nước không chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính của TPHCM. Thứ hai, phải hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành ở cấp trung ương và cấp TP, đặc biệt là các ngành liên quan trực tiếp đến phát triển đô thị như quy hoạch - xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, công nghiệp… để tránh giẫm chân, chồng chéo trong công tác kiểm soát rủi ro ngập nước. Thứ ba, cần xác định rõ vai trò và chức năng của hai cơ quan đầu mối về hoạch định chính sách và thực thi chính sách. Hai cơ quan này cần độc lập với nhau để đảm bảo tính khách quan. Theo đó, cơ quan hoạch định chính sách là đầu mối phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, sở ngành, chính quyền địa phương, các chuyên gia độc lập để nghiên cứu và tham mưu chính sách kiểm soát rủi ro ngập nước cho UBND TPHCM. Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM sẽ là đầu mối phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong thực thi chính sách.
°Hình thành được cơ chế phù hợp không dễ nhưng vẫn là một trong những khâu… dễ nhất trong toàn bộ chương trình chống ngập. Quan trọng là cơ chế này sẽ vận hành như thế nào để đạt được mục tiêu giảm thiểu rủi ro ngập nước đối với TPHCM?
°Liên quan đến việc nghiên cứu xây dựng chính sách kiểm soát rủi ro ngập nước, nhóm nghiên cứu của chúng tôi nhận ra rằng TPHCM cần có ba nhóm chính sách: Nhóm chính sách nhượng bộ (không tranh chấp tại các khu vực ngập nước tự nhiên); nhóm chính sách thích nghi (chung sống với tình trạng ngập ở mức độ nhất định và tiến hành các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do ngập nước gây ra); nhóm chính sách đối phó (tác động trực tiếp để chấm dứt hoặc giảm thiểu tình trạng ngập nước).
Cụ thể, nhóm chính sách nhượng bộ bao gồm: Chính sách hạn chế hoặc cấp phép với những điều kiện cụ thể đối với các dự án phát triển đô thị ở khu vực nhạy cảm cao với nguy cơ ngập nước, để đảm bảo không tạo rủi ro ngập nước cho các khu vực lân cận cũng như cho chính khu vực của dự án; chính sách khôi phục lại các khu vực ngập nước tự nhiên đã bị lấn chiếm, san lấp trong quá trình phát triển đô thị, nhất là các tuyến kênh, rạch thoát nước chính và các khu vực điều tiết nước quan trọng. Liên quan đến nhóm chính sách thích nghi, cần nghiên cứu tăng cường năng lực điều tiết nước bằng cách tạo lập, duy trì hệ thống hồ, ao, đầm… và các không gian công cộng mở như bãi cỏ, vườn hoa, sân chơi thành không gian chứa nước tạm thời khi có mưa lớn. Bên cạnh việc điều tiết nước, việc đảm bảo cao độ nền an toàn, hợp lý đối với các công trình xây dựng như nhà ở, trường học, bệnh viện… cũng rất cần thiết; trong khi đó, các công viên, sân chơi, quảng trường có thể chấp nhận tình trạng ngập nước với tần suất và mức độ cho phép. Nhóm chính sách đối phó chủ yếu là các giải pháp tăng cường năng lực thấm nước của đất xây dựng đô thị, tăng cường năng lực thoát nước chảy tràn bề mặt và ngăn chặn nước từ hệ thống sông, kênh, rạch bằng các công trình xây dựng. Ví dụ, để tăng diện tích có khả năng thấm nước và giữ nước, cần tăng cường diện tích thảm cỏ, lát vỉa hè bằng các vật liệu xây dựng có khả năng thấm nước để tăng năng lực thoát nước; cần nạo vét và cải tạo hệ thống kênh, rạch đô thị và hệ thống cống thoát nước; để ngăn chặn nước sông, kênh, rạch tràn vào mỗi khi có triều cường cần làm hệ thống đê bao, cống kiểm soát triều…
Thực thi hài hòa các nhóm chính sách
°Trên thực tế, TPHCM đã và đang triển khai cả 3 nhóm chính sách này, nhưng hiệu quả chống ngập nước không như mong muốn…
°Để đạt được hiệu quả chống ngập nước, vấn đề quan trọng là trong từng giai đoạn phát triển cụ thể, chúng ta cần có chiến lược lựa chọn và tập trung thực thi các chính sách phù hợp. Hiện nay, TPHCM tập trung nhiều nguồn lực để thực thi nhóm chính sách đối phó. Nhóm này có thể đem lại hiệu quả trước mắt với chi phí cao nhưng rủi ro ngập nước trong tương lai vẫn còn đó, nhất là trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra mạnh mẽ và khó lường trước; có thể thấy điều này qua bài học kinh nghiệm của Bangkok (Thái Lan), TP này có hệ thống công trình chống ngập với quy mô lớn được xây dựng qua hàng chục năm nhưng vẫn chịu trận lũ lụt lịch sử năm 2011.
Nhóm chính sách nhượng bộ được đánh giá phù hợp với định hướng phát triển bền vững của TPHCM. Tuy nhiên, các chính sách này thường không được lựa chọn, do áp lực phát triển đô thị ngày càng mạnh mẽ trong điều kiện hạn chế về đất đai đô thị. Nhóm chính sách thích nghi là hướng tiếp cận mềm trong kiểm soát rủi ro ngập nước, có tính hiệu quả cao và phù hợp với tình hình phát triển đô thị hiện nay của TPHCM. Với sự hỗ trợ của tư vấn trong và ngoài nước, nhóm chính sách thích nghi đang được quan tâm ngày càng nhiều hơn. Hy vọng nhóm chính sách này sẽ được thực thi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để công tác chống ngập ở TP đạt hiệu quả hơn.
°Ông làm thế nào để triển khai thực hiện các nhóm chính sách này?
°Để thực hiện nhóm chính sách nhượng bộ, cần có các quy định quản lý phát triển đô thị trên cơ sở bản đồ phân vùng nhạy cảm với ngập nước; cần tạo nguồn thu từ thuế nhà đất, thuế thu nhập từ giá trị gia tăng của bất động sản để bù đắp chi phí khôi phục lại các vùng đất tự nhiên đã bị lấn chiếm, tăng phí thu nước thải và phí thoát nước mưa đối với các dự án phát triển bất động sản ở những khu vực nhạy cảm với ngập nước… Tất cả những thông tin cần thiết phải được công khai để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện. Để thực hiện nhóm chính sách thích nghi, cần có các quy định cụ thể về vị trí và quy mô hồ điều tiết nước của các dự án phát triển đô thị được thực hiện trong các khu vực nhạy cảm với ngập nước; cần xây dựng “cơ chế trao đổi không gian điều tiết nước”, các dự án phát triển đô thị có thể tạo thêm các không gian điều tiết nước vượt quy định để hưởng thêm hệ số sử dụng đất. Để thực hiện nhóm chính sách đối phó, cần quy định cụ thể tỷ lệ diện tích thấm nước, quy định về việc thiết kế cống thoát nước, về không gian cho phép tạm ngập nước hai bên bờ kênh, rạch để tăng cường khả năng thoát nước khi cần…
°Xin cảm ơn ông!
SƠN LAM