Kiểm soát tai nạn giao thông: Tập trung xử lý lái xe và chủ phương tiện vi phạm

Sáng 31-12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết an toàn giao thông năm 2013, triển khai nhiệm vụ 2014. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tìm bằng được những giải pháp để bảo đảm mục tiêu năm 2014 là giảm số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết, số người bị thương so với năm 2013.
Kiểm soát tai nạn giao thông: Tập trung xử lý lái xe và chủ phương tiện vi phạm

(SGGPO).- Sáng 31-12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết an toàn giao thông năm 2013, triển khai nhiệm vụ 2014. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tìm bằng được những giải pháp để bảo đảm mục tiêu năm 2014 là giảm số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết, số người bị thương so với năm 2013.

“Hiện nay TNGT vẫn tăng, dịp tết này nguy cơ tăng nhiều, vì vậy phải hết sức nỗ lực để kiềm chế TNGT. Từng địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ rất lớn trước Đảng, trước nhân dân, vì đây là vấn đề sinh mạng con người, không có một cuộc chiến tranh nào mà người chết lại nhiều như TNGT. 2 năm liên tiếp vừa qua đã nỗ lực giảm TNGT, cần tiếp tục thực hiện được điều này trong 2014”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Kiểm soát tai nạn giao thông: Tập trung xử lý lái xe và chủ phương tiện vi phạm ảnh 1

Toàn cảnh buổi hội nghị trực tuyến sáng 31-12.

Người chết vì TNGT tiếp tục giảm xuống dưới 10.000 người

Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng trình bày sáng nay, năm 2013, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương và là năm thứ hai số người chết vì TNGT tiếp tục giảm xuống dưới 10.000 người. Cụ thể, TNGT năm 2013 xảy ra 29.385 vụ, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.610 vụ (giảm 5,19%), giảm 55 người chết (giảm 0,58%), giảm 3.045 người bị thương (giảm 9,36%).

Theo thống kê, có 37 tỉnh, thành phố giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Có 5 tỉnh có số người chết giảm trên 20% là Vĩnh Phúc, Cà Mau, Đồng Nai, Quảng Nam, Tây Ninh. Có 13 tỉnh, thành phố có số người  chết giảm từ 10% đến dưới 20%. Có 13 tỉnh, thành phố có số người  chết vì TNGT giảm từ 5% đến dưới 10%. Có 11 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT giảm từ 1% đến dưới 5%. Có 2 tỉnh không tăng, không giảm số người chết vì TNGT.

Tuy nhiên, năm 2013 có 19 tỉnh có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 7 tỉnh có số người chết tăng cao trên 10% là Khánh Hòa, Hà Giang, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Điện Biên, Lai Châu, Thừa Thiên- Huế. Đặc biệt, có 4 tỉnh, TP tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông là Gia Lai, Trà Vinh, Cần Thơ, Lai Châu.

60% số vụ TNGT là do rượu bia

Tại hội nghị, đa phần các địa phương đều cho biết đã quyết liệt triển khai các giải pháp để hạn chế TNGT nhưng tình hình vẫn phức tạp. Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đã xử lý trên 650.000 vụ vi phạm về an toàn giao thông, số người vi phạm còn nhiều, chiếm 25% dân số toàn tỉnh. Đồng Nai đề nghị cho phép thí điểm dừng bắt buộc ở 2 trạm Xuân Lộc, Tân Phú (Đồng Nai), yêu cầu tất cả các xe đi qua phải dừng ở 2 trạm này kiểm tra kỹ thuật đồng thời để lái xe đỡ buồn ngủ vì phải chạy liên tục. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, đề nghị này cần xem xét thêm.

Ông Nguyễn Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cũng cho biết, trong năm 2013 tỉnh đã xử lý 25 cảnh sát giao thông (CSGT) vi phạm quy định công tác. Tuy Tây Ninh giảm TNGT ở cả 3 mặt nhưng số người chết, bị thương vẫn mức cao, nguyên nhân chính là do rượu bia. Tới đây tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, quá tải... để giảm TNGT trong năm 2014. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho rằng, hiện nay tiêu chí khác giảm, nhưng tiêu chí giảm người chết vẫn không giảm, đây là nhiệm vụ khó. Dân số của Việt Nam đứng thứ 14 thế giới , phương tiện tăng 10% nhưng hạ tầng giao thông chỉ tăng khoảng 1%. Các giải pháp đều đã có, vấn đề là kỹ thuật triển khai các giải pháp.

Ví dụ, tuyên truyền là giải pháp quan trọng, cần liên tục được đổi mới. Nhưng trong các năm tới, giải pháp số 1 phải là tuần tra để phát hiện, xử lý các vi phạm. Đơn cử như ở An Giang, tháng 2-2013, số người chết tăng 150%, chỉ vì tháng đó tỉnh lo tập huấn cho CSGT. Tức chỉ cần lơ là thì TNGT sẽ tăng lên ngay. TNGT ở nông thôn ngày càng tăng cao, cần đặc biệt lưu ý. Cũng theo ông Thạnh, 60% số tai nạn là do rượu bia, tỉnh tổ chức cho 45.000 cán bộ, viên chức đăng ký không uống rượu bia, nên đã giảm 30% số vụ TNGT do rượu bia”.

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc Tây Ninh và một số địa phương khác đã nghiêm cấm uống rượu bia trong buổi trưa. Đề nghị phát động trong cả nước mô hình này, vừa bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), vừa tiết kiệm. “Là một tỉnh nhỏ, phương tiện và dân cư ít, Tây Ninh phạt vi phạm an toàn giao thông đến 80 tỷ đồng/năm, vậy các tỉnh khác dân đông hơn, phương tiện nhiều hơn tại sao lại xử phạt ít hơn?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị các địa phương khác nhìn lại mình.

Tỉnh Vĩnh Phúc và một số địa phương đề nghị Bộ Công an nghiên cứu tăng biên chế CSGT cho tất cả các cấp. Bộ GT-VT cũng đề xuất tăng biên chế, lực lượng cho thanh tra giao thông. Ngoài ra, một số địa phương đề nghị xem xét lại quy định chỉ cho địa phương trích lại 70% kinh phí xử phạt giao thông, như thế là không tạo được động lực, cần để lại 100%. “Đề nghị để lại địa phương 100%, giao cho Chủ tịch UBND tỉnh chi, nếu chi không đúng mục đích thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”- tỉnh An Giang đề xuất.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyển Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2013 là năm thứ 2 giảm liên tiếp về TNGT. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống, sự vào cuộc của chính quyền các cấp, khi xử lý kiên quyết, đồng bộ những vi phạm. Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực này, trong đó có nhiều tỉnh vượt chỉ tiêu. Nhiều mô hình về bảo đảm ATGT hiệu quả ở các địa phương. TP Hà Nội, TPHCM đã có đột phá trong giải quyết ùn tắc giao thông, tăng cường kiểm soát phương tiện vận tải, taxi... Phó Thủ tướng nhắc nhở những địa phương còn tăng số vụ TNGT cần rút kinh nghiệm.

Nguyên nhân TNGT vẫn phức tạp, theo Phó Thủ tướng, là do nhận thức trách nhiệm chính trị của các địa phương về giảm TNGT chưa cao. “Phương tiện cá nhân phát triển quá nhanh, chưa có đất nước nào có hơn 40 triệu xe gắn máy như ở Việt Nam, nếu còn tiếp tục tăng thì không giải pháp nào, hạ tầng nào có thể xử lý. Vẫn tồn tại các yếu kém; xe dù, bến cóc, kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy ở một số nơi còn dấu hiệu buông lỏng. Còn hiện tượng xuê xoa trong xử phạt. Số vụ xử phạt, phương tiện bị tạm giữ còn ít... Bảo đảm ATGT vẫn là thách thức lớn trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, ông đề nghị trước mắt trong dịp tết cần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia. Bố trí lực lượng kiểm soát, tuần tra trên các tuyến đường. Kiên quyết đình chỉ các phương tiện không bảo đảm an toàn. Kiên quyết xử lý hiện tượng bán vé tết không đúng. Các địa phương cần kiên quyết thực hiện toàn diện Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế TNGT, địa phương nào chưa có nghị quyết chuyên đề cần bàn để ra nghị quyết thực hiện. Siết chặt quản lý về vận tải của Bộ GT-VT cả về xe tải, taxi, lần này tập trung xử lý cả lái xe và chủ phương tiện. Siết chặt quản lý phương tiện vận tải, đặc biệt là xe khách. Rà soát việc đào tạo, cấp phát, sát hạch lái xe.

Hà Nội từ 49 điểm nguy cơ ùn tắc đã giảm còn 28 điểm, không còn điểm ùn tắc trên 30 phút. Năm 2014, phấn đấu giảm 10 số vụ ùn tắc giao thông; giảm 5-10% cả 3 tiêu chí về TNGT. Tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện; đầu tư hạ tầng các nút trọng điểm. Về tổ chức giao thông, sẽ tổ chức lại các cặp đường một chiều, phân làn; sắp xếp lại các điểm giữ, đậu phương tiện; thí điểm bố trí điểm đón- trả khách cho taxi; thí điểm tuyến đi bộ xung quanh khu vực Lăng Bác Hồ…

-TPHCM: Trong 3 năm gần đây, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí. Riêng năm 2013, giảm 66% vụ ùn tắc giao thông. Năm 2014, tiếp tục phấn đấu giảm 10% TNGT trên cả 3 mặt.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục