Trước những kiến nghị của cử tri về việc các cấp chính quyền còn chậm phát hiện, xử lý những vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), gây lo lắng trong nhân dân, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM tiến hành đợt khảo sát chuyên đề về lĩnh vực này tại một số chợ truyền thống trên địa bàn.
Qua khảo sát cho thấy, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đã có nhiều chuyển biến, các đơn vị đã có ý thức trong việc đảm bảo ATTP. Tuy nhiên cần phải thực hiện triệt để các giải pháp nhằm đảm bảo ATTP lâu dài…
Công khai, minh bạch
Chợ Bến Thành (quận 1) là một trong 4 chợ trên địa bàn TP được chọn là chợ văn minh thương nghiệp, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân TP và du khách nước ngoài, nên Ban VH-XH HĐND TP quyết định đến đây để khảo sát đầu tiên.
Ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ Bến Thành, cho biết chợ có diện tích 13.000m² với 1.422 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong 2 năm 2015 và 2016, BQL chợ đã xây dựng 8 kế hoạch thực hiện về đảm bảo ATTP tại chợ, chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như băng rôn, tờ rơi, đường dây nóng, tập huấn kiến thức về ATTP cho thương nhân và người phụ bán…
Chợ cũng đã thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020, vận động 18 hộ kinh doanh thịt heo tham gia đề án và phối hợp Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) tập huấn cho các hộ này sử dụng phần mềm truy xuất nguồn thịt heo TE - Food. Song song đó, BQL chợ cũng vận động các hộ kinh doanh rau, củ, quả kinh doanh mặt hàng đạt chuẩn VietGAP.
Để đảm bảo cho người dân mua được sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, BQL chợ đã tiến hành kiểm tra chặt hàng hóa nhập vào chợ như: yêu cầu thương nhân xuất trình hóa đơn, chứng từ, kê khai nguồn gốc hàng hóa, lập sổ theo dõi mua bán hàng hóa, vệ sinh quầy kệ... Đồng thời, kiểm tra đột xuất và lấy mẫu kiểm tra nhanh độ ATTP đối với hàng rau, củ, quả, thịt tươi sống, thực phẩm chế biến, dịch vụ ăn uống.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cho biết qua khảo sát rau củ tại một sạp ở chợ Bến Thành, các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn cho phép và bà đã mua về sử dụng. Bà mong muốn chợ Bến Thành xây dựng những sản phẩm đặc trưng khiến khách du lịch nhớ tới, nhìn tới sản phẩm đó là nghĩ đến chợ Bến Thành. Đồng thời, bà cũng đã đề nghị BQL chợ làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm ATTP cần xử lý nghiêm, thậm chí là chấm dứt hợp đồng kinh doanh; giám sát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa đưa vào kinh doanh tại chợ.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung mua nông sản tại chợ Bến Thành. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Siết chặt công tác quản lý từ nơi sản xuất
Theo đánh giá của Chi cục Vệ sinh ATTP TPHCM, lượng sản phẩm các tỉnh khác đổ về TPHCM chiếm khoảng 70%. Vì thế, rất cần các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát trên các tuyến đường giao thông hướng vào TP, để hạn chế đến mức thấp nhất thực phẩm không bảo đảm an toàn về TPHCM. Ông Lê Quang Thiện kiến nghị, để quản lý, xác định được nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ từ nơi sản xuất, nuôi trồng và các cửa khẩu. Bởi trên thực tế, sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chăn nuôi, giết mổ, rồi mới đến tay thương lái bán hàng trước khi đến tay người tiêu dùng. Bà Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng, nếu như người tiêu dùng phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng thì đầu tiên họ tìm đến người bán hàng, thương lái để truy trách nhiệm. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm là phải liên kết xây dựng đúng quy chuẩn, từ người chăn nuôi, giết mổ, phân phối rồi đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người dân mua các loại thực phẩm thường chỉ dựa vào cảm quan. Đa phần chỉ biết chọn các sản phẩm có mẫu mã đẹp, bắt mắt, còn mức độ sạch, an toàn ra sao thì chỉ có thể gửi niềm tin vào người bán. Ông Lê Quang Thiện cho rằng, mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa nhập vào chợ, nhưng BQL chợ chủ yếu là kiểm tra trên giấy tờ, sổ sách của hộ kinh doanh và cảm quan đối với hàng hóa. Việc kiểm tra chỉ để nhắc nhở, vận động người kinh doanh chấp hành các quy định về ATTP và chưa có chế tài để xử lý.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị các sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm, đặc biệt sau khi cấp giấy chứng nhận ATTP phải tiến hành hậu kiểm.
Từ 1-3-2017, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM chính thức hoạt động (SGGP).- UBND TPHCM vừa ra quyết định về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM (FSMA). Theo đó, FSMA là cơ quan thuộc UBND TP, có chức năng giúp UBND TP thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP. UBND TP sẽ bổ nhiệm nhân sự chủ chốt của FSMA; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của FSMA. Các bộ phận thực hiện an toàn thực phẩm của các phòng, chi cục trực thuộc Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát chức năng, nhiệm vụ, nhân sự để bàn giao cho FSMA. FSMA chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2017. MINH VƯƠNG |
THÀNH SƠN