(SGGP).- Theo Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ ngoài công lập VN, năm 2012 là năm tuyển sinh báo động nhất trong lịch sử tuyển sinh “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả) đối với các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Trong đó, nhiều trường tuyển được vài chục thí sinh, nhiều trường được bộ duyệt đến vài ngàn chỉ tiêu nhưng kết quả chỉ tuyển được 30% - 40%. Trước thực tế này nhiều trường đang chuẩn bị đóng cửa hoặc giải thể.
Theo ý kiến nhiều trường, chủ trương xã hội hóa của Nhà nước là chủ trương đúng. Song hiện nay nhiều cơ chế chưa thực sự tạo điều kiện để giúp các trường ngoài công lập phát triển như đất đai (đất sạch), các chế độ cho sinh viên trường ngoài công lập... Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, để đạt được mục tiêu 40% sinh viên ngoài công lập trong năm 2020, Bộ GD-ĐT nên xem xét việc không cho các trường công lập tăng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.
Nhiều trường cho rằng: “Không chỉ các trường ngoài công lập mà ngay cả các trường công lập phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục ĐH (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2013) được tự chủ trong tuyển sinh bằng 3 phương án: thi tuyển, xét tuyển, kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển”. Do đó, từ năm 2013, khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, Bộ GD-ĐT cần thực hiện đúng quy định mà luật đã quy định. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng cho rằng Bộ GD-ĐT khi xác định điểm sàn cũng phải tính đến yếu tố vùng miền và loại bỏ những thí sinh ảo để đảm bảo cho các trường ở những vùng khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu.
T.Hùng