Tại buổi làm việc, các đơn vị tư vấn thiết kế, lãnh đạo các tỉnh trình bày phương án, góp ý các giải pháp làm thế nào để đẩy nhanh phương án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2.
Nguồn vốn đề xuất bằng ngân sách nhà nước để đảm bảo sớm triển khai dự án, nhanh chóng đưa vào khai thác, giải quyết nút thắt cầu Rạch Miễu hiện hữu đang quá tải. Trước mắt, kiến nghị bố trí kinh phí triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và lập thiết kế kỹ thuật từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, với kinh phí khoảng 645 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 570 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho biết, tỉnh Bến Tre thống nhất cùng với Bộ GT-VT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầu tư cầu Rạch Miễu 2 bằng nguồn vốn ngân sách.
Bởi cây cầu này không chỉ cho Bến Tre mà cho cả khu vực Duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL gồm Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… kể cả kết nối với TPHCM, đồng thời giảm áp lực cho Quốc lộ 1.
“Bến Tre cũng đã chuẩn bị đăng ký làm việc với Quốc hội, Chính phủ để trình bày phương án này. Mong các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trong khu vực có tiếng nói chung, nếu xây sớm hơn sẽ vô cùng có ý nghĩa”, ông Phan Văn Mãi cho biết.
Theo đề xuất, nếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ rút ngắn thời gian đầu tư ít nhất là 2 năm. Thời gian thi công dự án khoảng 36 tháng. Mặt khác, giảm được chi phí đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng phía thượng lưu, cách cầu Rạch Miễu hiện tại 3km, với tổng chiều dài cầu và đường khoảng 17,5 km; đồng thời mở rộng đường tỉnh 887 (phía Tiền Giang) bề rộng mặt đường 20,5 m, chiều dài khoảng 5,1 km. Cụ thể, phần mặt cầu Rạch Miễu 2 sẽ rộng 17,5 m gồm phần cầu dây văng, đoạn qua cồn Thới Sơn (tỉnh Tiền Giang) và cầu bê tông với tổng chiều dài khoảng 3,5 km; phần đường phía Bến Tre dài khoảng 8,9 km, mặt đường rộng 20,5 m nối vào quốc lộ 60 và ra cầu Hàm Luông…. Lựa chọn vị trí này sẽ thuận lợi trong việc giảm giải phóng mặt bằng, mở rộng không gian đô thị TP Mỹ Tho, TP Bến Tre. Cầu có 2 nhịp chính bằng dây văng, hai bên có nhịp Super T, rộng 4 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 4.494 tỷ đồng. |
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Đề nghị các cơ quan chuyên môn có sự thống kê đầy đủ, kịp thời, chính xác về lưu lượng xe hiện nay để làm cơ sở xây dựng phương án đầu tư. Bộ GT-VT sẽ đề xuất Chính phủ chủ trương đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đảm bảo nhanh tiến độ triển khai dự án. Bộ trưởng giao các đơn vị tư vấn, thiết kế khẩn trương thẩm định tham mưu Bộ GT-VT chứng minh việc sử dụng nguồn vốn này là hiệu quả.
Về quy mô dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thống nhất xây dựng cầu với 4 làn xe cơ giới; giải phóng mặt bằng 1 lần, bổ sung hành lang hàng rào 2 bên đường dẫn, tránh tình trạng lấn chiếm sau này phải giải tỏa. Đặc biệt, tuyệt đối không để sụp lún vì đất nền khu vực này rất yếu. Nếu các điều kiện thuận lợi, cầu Rạch Miễu 2 sẽ hoàn thành cuối năm 2023.
Cũng tại buổi làm việc sáng 11-3, Bộ GT-VT cùng UBND tỉnh Đồng Tháp và các ngành chức năng, bàn phương án xây dựng tuyến đường từ Ngã ba An Hữu (Tiền Giang) đến TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tuyến đường dài khoảng 30,1 km, có 26 cầu, thiết kế 4 làn xe; điểm đầu cách Ngã ba An Hữu hiện tại khoảng 1,2 km về phía Trung Lương, đoạn cuối nằm ở đoạn Mỹ An – Cao Lãnh. Dự kiến xây dựng mới hoàn toàn theo hình thức BOT với kinh phí khoảng 4.583 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đưa ra các phương án thu phí đối với xe 4 bánh nhỏ nhất là 30.000 đồng/xe (thời gian thu trong vòng 17 năm 7 tháng); còn nếu thu phí đối với xe 4 bánh nhỏ nhất là 35.000 đồng/xe thì thời gian thu dự kiến là 15 năm 3 tháng… |