Báo SGGP số ra ngày 12-3-2011 có đăng bài “Lại nóng chuyện lô cốt, hố tử thần”, trong đó đề cập tình trạng hoạt động cầm chừng của các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường trên địa bàn TPHCM và sự xuất hiện trở lại của các “hố tử thần”. Đó là một thực tế, song vấn đề đặt ra là trách nhiệm của các nhà quản lý ở đâu trước tình trạng “bẫy” rào chắn và “hố tử thần” không ngừng phổ biến hiện nay.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường trên địa bàn TPHCM của Thanh tra Sở GTVT, tuần lễ đầu tiên sau Tết Nguyên đán 2011, toàn TP chỉ có 3 vụ vi phạm về tái lập rào chắn, với tổng số tiền xử phạt 14 triệu đồng. Nhưng chỉ một tuần sau đó, từ ngày 18-2 đến 24-2-2011, con số vi phạm đã tăng gấp đôi với 6 trường hợp, xử phạt tổng cộng 25,5 triệu đồng.
Chưa dừng ở đó, mới đây nhất, từ ngày 25-2 đến 3-3-2011, Thanh tra Sở GTVT đã lập tổng cộng 15 biên bản xử phạt hành chính đối với các đơn vị thi công sai phạm với tổng số tiền xử phạt lên đến 143 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau 2 tuần lễ, tổng số tiền xử phạt đã tăng 10 lần so với thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có một số ít nhà thầu nghiêm chỉnh chấp hành nộp phạt và khắc phục sai phạm, còn lại vẫn vô tư vi phạm. Hàng loạt “lô cốt” trên các tuyến đường Hoàng Sa, Trần Quang Khải (quận 1), Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận)… dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không có biển công bố thông tin hoặc công bố thông tin quá hạn từ lâu nhưng không thu dọn rào chắn.
Riêng về sự xuất hiện của hơn 80 “hố tử thần” trên địa bàn TP, mặc dù chưa có thương vong về người nhưng đã có ít nhất 8 vụ thiệt hại về tài sản, song chưa thấy đơn vị nào bị xử phạt do lỗi thi công tắc trách. Qua đó cho thấy công tác kiểm tra, xử phạt hiện nay chưa được thực hiện một cách triệt để, nhiều trường hợp sai phạm chỉ “phạt cho có” khiến việc xử phạt mất tính răn đe.
Trước tình trạng đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, xử phạt, trong đó quy định thêm trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân (chỉ huy trưởng công trường), đơn vị (chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn, giám sát…); đồng thời kiên quyết rút giấy phép thi công đối với các tập thể thường xuyên sai phạm. Riêng đối với các trường hợp chậm khắc phục vi phạm đã bị Thanh tra Sở GTVT nhiều lần nhắc nhở cần được xem như vi phạm có tình tiết tăng nặng để áp dụng các khung hình phạt cao hơn.
THÀNH NHÂN (quận 12)