Phát biểu tại Hội nghị tập huấn công tác chủ quản báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các cơ quan chủ quản cần quan tâm, yêu cầu cơ quan báo chí rà lại việc lập văn phòng đại diện và bố trí phóng viên thường trú? Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, có tạp chí của hội nghề nghiệp chỗ nào cũng có thường trú, không khác gì… Báo Nhân Dân!
Văn bản khiếu nại báo chí ngày càng tăng
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, thời gian qua, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của người dân. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cũng có khá nhiều khuyết điểm, bất cập, trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. “Gần đây, các văn bản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại báo chí ngày càng tăng. Có khi báo chí chỉ nghe một chiều rồi đăng tin, sau đó báo này làm xong chuyển cho báo kia, dẫn đến tình trạng sai có hệ thống, sai hàng loạt”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Bộ TT-TT nhận định, việc một số nhà báo, phóng viên của cơ quan báo chí có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo, giám sát cơ quan báo chí, không chỉ về việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí mà cả về hoạt động nghiệp vụ, đạo đức người làm báo. Bên cạnh đó, một khuyết điểm tương đối phổ biến thời gian qua là thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ được quy định trong giấy phép.
“Đặc biệt là báo của một số hội nghề nghiệp, sinh ra tờ báo nhưng không phục vụ đúng đối tượng của mình. Tới đây, sau khi Thủ tướng ký ban hành quy hoạch báo chí đến 2025, chúng tôi có thể sẽ rà soát lại và cấp lại giấy phép cho các cơ quan báo chí. Nếu không siết lại sẽ rơi vào tình trạng báo chí rất đông nhưng thông tin trùng lặp, không đáp ứng đa dạng đối tượng bạn đọc trong xã hội; cùng một thông tin nhưng rất nhiều báo đưa dù chẳng liên quan đối tượng độc giả chính của mình, trong khi có những vấn đề rất thiết thực với đối tượng phục vụ chính của mình thì lại không đưa”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết.
Báo chí sai, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm
Một khuyết điểm đáng chú ý khác là thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, nguyên nhân đầu tiên của vấn đề này là việc tuyển chọn phóng viên và lựa chọn lãnh đạo cơ quan báo chí của các cơ quan chủ quản chưa tốt. Thời gian gần đây có tình trạng cơ quan báo chí sẵn sàng tuyển phóng viên từ bất kỳ nguồn nào, trong khi làm báo là hoạt động tư tưởng, phải được trang bị lập trường tư tưởng, chính trị, đạo đức báo chí. Tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí của nhiều cơ quan chủ quản thực hiện không chặt chẽ. Không ít cơ quan chủ quản đã bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, không đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm theo quy định. Thậm chí có người bị kỷ luật báo này lại nhận làm ở báo khác thông qua kênh này kênh kia vì được lãnh đạo hội (hầu hết là cán bộ về hưu tham gia, có quan hệ nhất định) đứng ra cam kết.
Thời gian qua, một số cơ quan chủ quản đề nghị thành lập cơ quan báo chí khi chưa đủ các điều kiện về trụ sở, trang thiết bị, nguồn tài chính, tổ chức, bộ máy... Chủ yếu là báo của các hội, bản thân kinh phí của hội đã khó khăn, dẫn đến tình trạng mở tờ báo rồi khoán trắng cho cơ quan báo chí, rồi cơ quan báo chí lại bằng mọi cách để kiếm tiền, dẫn đến chuyện để phóng viên đi gây sức ép với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để kiếm tiền. “Trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí, các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí của cơ quan, đơn vị, ngành mình theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm, chương trình giải trí xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng hoặc để sai phạm kéo dài”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí lưu ý hơn tới vấn đề phóng viên thường trú, văn phòng đại diện hiện đang có rất nhiều nhức nhối. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan báo chí, nhưng các cơ quan chủ quản cũng phải lưu ý trách nhiệm của mình. Khi phóng viên thường trú có vấn đề thì cũng phải vào cuộc, không nên khoán trắng cho cơ quan báo chí.
Theo Bộ TT-TT, đến tháng 6-2017, cả nước có 832 cơ quan báo, tạp chí in; 150 cơ quan báo điện tử đã được cấp phép (trong đó 125 cơ quan báo in thực hiện loại hình điện tử), 67 đài phát thanh truyền hình địa phương. Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ; trên 35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí. Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng (ước tăng 13,93% so với năm 2015); tổng nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực báo chí ước đạt 901 tỷ đồng.