Kiên trì để TPHCM có cơ chế đặc thù

HỒNG HIỆP
Kiên trì để TPHCM có cơ chế đặc thù

Nhận xét về dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài (ảnh) cho rằng, để sớm trở thành một trung tâm lớn trên các mặt như mong muốn của Bộ Chính trị thì TPHCM phải kiên trì đề xuất với Trung ương, Bộ Chính trị cho phép thành phố có được những cơ chế đặc thù, mở rộng thẩm quyền trên 3 mặt: Tổ chức bộ máy, nhân sự; Điều hành ngân sách; Quản lý hành chính. Thành phố cần được tự chủ hơn để phát triển vượt bậc và đóng góp nhiều thêm cho đất nước.

- PV: Dưới góc nhìn của người đã từng giữ trọng trách trong hệ thống chính quyền thành phố, đồng chí đánh giá như thế nào về dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đưa ra lấy ý kiến lần này?

- Đồng chí NGUYỄN THÀNH TÀI: Theo tôi, báo cáo đã thể hiện được những bước phát triển vượt bậc của TPHCM trong nhiệm kỳ qua. Điều ấy thể hiện rõ ở diện mạo thành phố hôm nay, ở tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và ở vị thế của TPHCM đối với cả nước. Nội dung và cách thức chuẩn bị cho văn kiện của Đảng bộ TPHCM hết sức cầu thị, lắng nghe, có trách nhiệm, luôn trăn trở về việc thực hiện trách nhiệm của một thành phố đầu tàu, “cùng cả nước, vì cả nước”.

Tinh thần kiểm điểm của Ban Thường vụ cũng rất nghiêm túc. Tôi lấy ví dụ, trong kiểm điểm những hạn chế, yếu kém đã thẳng thắn nhìn nhận: “Có một số lĩnh vực trong quản lý nhà nước thiếu trách nhiệm…”. Từ trước đến nay theo tôi được biết thì các Báo cáo chính trị của thành phố chưa từng đề cập thẳng thắn, trực diện như vậy, tôi cho rằng đây là thái độ rất nghiêm túc. Nhưng tôi muốn đi đến cùng việc này, thiếu trách nhiệm điều gì mới được? Nguyên nhân từ đâu và đề xuất cụ thể các giải pháp để tháo gỡ. Đúng là khuyết điểm thì không dễ nói, nhưng không thể tránh né được, càng không thể khơi lên rồi bỏ ngỏ.

- Theo đồng chí, báo cáo cần “đi đến cùng” các vấn đề gì?

- Với những nỗ lực, sự năng động, sáng tạo, kiên trì đeo bám thực hiện chủ trương đổi mới, tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thành phố đã tạo được những chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, diện mạo đô thị cũng có được những đổi thay căn bản. Nhưng thành phố cũng đang đứng trước những thách thức to lớn: tình trạng ngập nước; kẹt xe; ô nhiễm môi trường; quá tải ở các bệnh viện; áp lực gia tăng dân số cơ học; kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; áp lực thu ngân sách ngày càng cao trong khi cơ cấu nguồn thu chưa thật vững chắc; thực lực của các doanh nghiệp trên địa bàn (150.000 doanh nghiệp, trong đó có đến 90% thuộc loại vừa và nhỏ, rất nhỏ); chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố chậm; quản lý đô thị còn nhiều bất cập; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng, còn ỷ lại và dựa vào tập thể…

Báo cáo cần phân tích cụ thể các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tôi lấy ví dụ, TPHCM xây dựng được và triển khai thực hiện 6 chương trình đột phá suốt thời gian qua là một thành công lớn. Tuy nhiên, báo cáo chưa đánh giá rõ về cách tổ chức thực hiện bởi trên thực tế cho thấy vẫn chưa tập trung, chưa đeo bám, chưa đột phá trong sự chỉ đạo, có dấu hiệu đang “đuối”. Chẳng hạn 5 năm vừa rồi, trong chống ngập cho thành phố thì vấn đề đột phá là gì; trong cải cách hành chính thì chọn đột phá nào và kết quả ra sao? Cũng tương tự như vậy ở một số lĩnh vực quan trọng khác. Dường như chúng ta chỉ mới “khơi” lên vấn đề, nhận trách nhiệm nhưng lại chưa có đề xuất những bước đi, lộ trình cụ thể để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong khi đó, trên thực tế, TPHCM có hạn chế lớn về nguồn lực (tài chính, nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ), cơ chế quản lý điều hành (chưa thật sự chủ động, còn nặng cung cách xin - cho, phụ thuộc bởi nhiều quy định quản lý của Trung ương chưa thật rõ ràng, thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian giải quyết, xử lý, làm tăng chi phí, giảm thiểu sức cạnh tranh của nền kinh tế…).

Nếu không nhìn sâu thì sẽ hết sức duy ý chí, hết sức thỏa mãn để nói chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Theo tôi, cần đi vào thực chất, hãy làm cho những con số trong Báo cáo biết nói để từ đó thẳng thắn và kiên trì đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ. Đã đến lúc TPHCM không thể tiếp tục hài lòng với thành quả đã đạt được, mà cần kiên trì đề xuất tháo gỡ “chiếc áo cơ chế” đã quá chật so với thành phố để có thể bung ra và phát triển. Bởi tập trung ưu tiên, tạo mọi điều kiện cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững chính là sự đầu tư phát triển cho vùng và cả nước.

- Theo đồng chí, làm sao để TPHCM vượt ra khỏi “cái áo” chật chội đó?

- Thành phố cần kiên trì đề xuất với Trung ương, với Bộ Chính trị cho phép TPHCM có được những cơ chế đặc thù về mở rộng thẩm quyền trên 3 mặt: tổ chức bộ máy, nhân sự; điều hành ngân sách; quản lý hành chính trên địa bàn. Để từ đó, ban hành các quyết sách quản lý nhanh hơn, kịp thời hơn, ít tốn kém hơn trên cơ sở kết nối được các bộ phận, các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong vùng. Riêng với thành phố cũng cần mạnh dạn đổi mới cách làm, nhằm thực hiện nhiệm vụ đề ra một cách khoa học và hiệu quả hơn.

- Đổi mới như thế nào thưa đồng chí?

- Báo cáo chính trị cần cụ thể hơn nữa. Cần thể hiện cho người dân thành phố nắm được rõ thực trạng, khoảng cách của TPHCM so với các thành phố lớn trong khu vực; thời gian để rút ngắn khoảng cách; khó khăn, trở ngại phải đối mặt… Từ đó xác định lộ trình, giải pháp. Lượng hóa cụ thể được sẽ hạn chế tối đa tình trạng đề ra nhiệm vụ chung chung, dẫn đến không thực hiện tập trung. Sẽ rất dễ chủ quan, duy ý chí khi kỳ vọng và tham vọng không được minh bạch, rõ ràng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu “Tăng cường”, “nỗ lực”, “bước đầu” hoặc “sớm nhất”… mà không lượng hóa được mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phấn đấu; xác định rõ nguồn lực, bố trí thực hiện; cơ chế, chính sách động viên và trách nhiệm cụ thể.

- Xin cảm ơn đồng chí!

HỒNG HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục