Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô

Dù ghi nhận nền kinh tế năm 2013 và 3 năm 2011-2013 đạt được nhiều thành tựu như: cân đối tiết kiệm – đầu tư có chuyển biến rõ rệt, cung cầu hàng hóa bảo đảm, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao… song báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận, nền kinh tế đang bộc lộ không ít hạn chế. Giải pháp được đưa ra là cần kiên trì các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức hợp lý.

Dù ghi nhận nền kinh tế năm 2013 và 3 năm 2011-2013 đạt được nhiều thành tựu như: cân đối tiết kiệm – đầu tư có chuyển biến rõ rệt, cung cầu hàng hóa bảo đảm, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao… song báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận, nền kinh tế đang bộc lộ không ít hạn chế. Giải pháp được đưa ra là cần kiên trì các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức hợp lý.

  • Chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1 - 2 năm tới

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, một số ý kiến trong ủy ban cho rằng, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm - là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5%-7%). Sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần từ 3,3% giai đoạn 2006-2010 dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013.

Tồn kho hàng hóa có giảm trong đó có bộ phận do doanh nghiệp khó khăn thị trường buộc phải cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng đã diễn ra từ năm 2012 và tiếp tục kéo dài đến nay. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại 8 tháng đầu năm có xu hướng tăng dần, tuy nhiên vẫn không nhiều hơn đáng kể số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Đáng lo ngại là các doanh nghiệp hiện đang hoạt động vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn khi bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Điều này sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm và thu ngân sách nhà nước.

Kinh tế vĩ mô cũng chưa có các yếu tố bền vững, các yếu tố phi thị trường  vẫn còn tiềm ẩn. Nền kinh tế đứng trước thách thức: một mặt phải sớm chấm dứt can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính mặt khác những khó khăn kinh tế vĩ mô khiến áp lực lạm phát tăng cao luôn tiềm ẩn và mỗi quyết định điều chỉnh chính sách trong quá trình điều hành. “Nếu không hợp lý về thời điểm và liều lượng sẽ gây nên những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội”-  báo cáo nhận định.

  • Tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

Với những hạn chế, khó khăn của 3 năm 2011-2013, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2013. Lạm phát năm 2014 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn khi điều chỉnh chính sách vĩ mô, nhất là khi tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tăng tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, định hướng tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là đúng đắn, các chỉ tiêu đề ra là phù hợp. Việc tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp khó khăn như vừa qua là phải chấp nhận trong ngắn hạn để có một nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc làm tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn. Việc ổn định vĩ mô phải kiên trì, nhất quán và phục hồi tăng trưởng không thể vội vàng nếu không sẽ đánh mất toàn bộ thành quả đạt được trong 3 năm vừa qua.

Do vậy, cần kiên trì tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng ở mức hợp lý trên cơ sở tính toán, hài hòa liều lượng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; cải thiện cơ cấu chi ngân sách để tăng chi đầu tư phát triển cả về tỷ trọng và số tuyệt đối gắn với tăng tính hiệu quả; hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, chưa nên đặt mục tiêu phục hồi nhịp độ tăng trưởng nhanh.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, Ủy ban Kinh tế kiến nghị phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển với định hướng ưu tiên vào các ngành sản xuất và nông nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và mục tiêu việc làm; điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường, kể cả thị trường bất động sản... Bên cạnh đó cần đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu đầu tư công kết hợp chặt chẽ với quy hoạch và tầm nhìn dài hạn, khắc phục triệt để, thực chất tình trạng đầu tư dàn trải và lợi ích cục bộ; hạn chế tối đa các nguy cơ đối với nền kinh tế từ việc sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính...

Ngoài ra, cần tập trung hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước sau khi Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi) và một số luật khác được ban hành; đẩy mạnh phát triển các thị trường; rà soát, đánh giá, sử dụng hiệu quả hơn các quỹ tài chính ngoài ngân sách...

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục