(SGGP).– Ngày 17-11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp với Sở LĐTB-XH, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội nghị lắng nghe kiều bào góp ý, hiến kế nâng cao chất lượng đào tạo nghề giai đoạn 2011 - 2015 tại TPHCM.
Các tham luận đều cho rằng dạy nghề ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng (TPHCM có 417 cơ sở dạy nghề, hàng năm tuyển sinh trên 360.000 người) còn rất nhiều bất cập, chồng chéo: Bộ LĐTB-XH quản lý hệ thống trường nghề, Bộ GD-ĐT quản lý khối trung cấp chuyên nghiệp, một số trường nghề khác lại do bộ chủ quản khác quản lý.
Theo tiến sĩ Ngô Quốc Trung (kiều bào Ba Lan), tình trạng trường đại học mọc lên như nấm chỉ vì lợi nhuận trước mắt đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất kém và đội ngũ giảng viên yếu và thiếu, không tương xứng nên sinh viên ra trường khó tìm được việc làm; nghịch lý thừa thầy, thiếu thợ.
Các kiều bào cho rằng, muốn phát triển dạy nghề trước hết cần thay đổi nhận thức về nghề. Cần đưa bộ môn về ngành nghề thành môn bắt buộc trong chương trình học phổ thông; trang bị kỹ năng mềm nhiều hơn cho sinh viên trường nghề; quan tâm nhiều hơn đến dạy nghề cho lao động nông thôn…
H.Thu