Việt Nam-Campuchia

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 27%/năm

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 27%/năm

Ngày 16-1-2008, tại An Giang đã diễn ra Hội nghị Thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia, dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, với sự tham gia của tỉnh thành biên giới giữa hai nước và TPHCM.

Hội nghị đã tổng kết tình hình thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong giai đoạn 2001-2007, rút ra nhiều kinh nghiệm để từ đó có các biện pháp tiếp tục thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa và làm ăn giữa hai bên trong những năm tới. Đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam sớm hoạch định chính sách đưa hàng vào Campuchia.

Bạn gần, thị trường lại xa 

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2007 đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đã đạt 115 triệu USD. Việt Nam đang xuất siêu vào Campuchia với các sản phẩm truyền thống như xà phòng, thuốc lá, bánh kẹo, ngô giống, đồ nhựa, hàng gia dụng, rau quả... Trong khi đó, phía Campuchia thường xuất sang Việt Nam (thị trường xuất khẩu đứng thứ 3 của Campuchia) các loại đồ điện gia dụng, đồ trang trí nội thất, nguyên liệu phục vụ ngành may, phụ tùng ô tô...

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 27%/năm ảnh 1

Sản phẩm nhựa Sài Gòn xuất khẩu mạnh qua thị trường Campuchia.

Đánh giá chung cho thấy, hoạt động thương mại ở các khu kinh tế cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phát triển chậm hơn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chủ yếu là tự phát, chưa có định hướng về thị trường và cơ cấu ngành hàng. Hoạt động thương mại của các doanh nhân còn phụ thuộc vào nhu cầu phía Campuchia chứ chưa thật sự quan tâm nghiên cứu thị trường để có các biện pháp đưa các loại hàng hóa xâm nhập thị trường hiệu quả. Đường giao thông trong nước đến các cửa khẩu còn khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại tại các cửa khẩu lạc hậu, nhiều nơi chưa cây dựng các trung tâm thương mại, kho ngoại quan, hệ thống cửa hàng, khu dịch vụ xuất nhập khẩu...

Mục tiêu mà Chính phủ hai nước đặt ra là phấn đấu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân 27%/năm, đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2010 và đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2015. Ông Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, điều này đòi hỏi chính phủ hai nước phải xác định cần làm gì, các địa phương cần hợp tác ra sao, doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh như thế nào... Về phía Việt Nam, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là một cơ hội tiếp cận để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường vốn là láng giềng gần nhưng thị trường thì còn xa, vì nhiều hạn chế trong thời gian qua.

Dự báo từ Bộ Công Thương cho thấy, tăng trưởng của Campuchia có thể đạt bình quân 6%/năm trong giai đoạn 2007-2015. Chính phủ Campuchia sẽ duy trì một chính sách tài chính cẩn trọng và tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, do đó lạm phát sẽ ở mức thấp. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Campuchia trong những năm tới vẫn tăng rất cao, nhất là nhu cầu hàng tiêu dùng. Hàng hóa từ Việt Nam trong thời gian qua xuất vào thị trường này được người tiêu dùng Campuchia đánh giá cao nhờ các doanh nghiệp đã không ngừng nâng cao chất lượng, bao bì, mẫu mã... Một yếu tố khá thuận lợi khác nữa là nhiều loại vật tư, nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất các doanh nghiệp Campuchia chưa đáp ứng được yêu cầu, do đó sẽ là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp VN nếu biết tổ chức đưa hàng sang thị trường này.

Kinh tế cửa khẩu, không thể xem nhẹ 

Nhiều công ty lớn của Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến thị trường Campuchia như: Công ty Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Than và Khoáng sản, Tổng Công ty Điện lực, Tập đoàn Dầu khí... Hàng xuất khẩu vào thị trường Campuchia trong năm qua đã đạt 1,2 tỷ USD, gấp 6,5 lần so với năm 2001 (năm 2001 đạt 184 triệu USD), và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, Chính phủ cần tháo gỡ một số khó khăn trong chính sách để đẩy nhanh tốc độ xây dựng và điều chỉnh quy chế hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu; phân cấp cho các địa phương chủ động điều hành một số lĩnh vực trong quản lý thương mại biên giới, ủy quyền cho ban quản lý các khu kinh tế cửa khẩu cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thu hồi, sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại khu kinh tế cửa khẩu. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cửa khẩu, hệ thống chợ biên giới, các khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống giao thông...

Tại hội nghị này, các địa phương và bộ ngành còn kiến nghị, chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia cần có những thỏa thuận tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới, cho người và hàng hóa, vật tư qua lại; tiếp tục cho hàng hóa của nhau được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu; đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, xin phép đầu tư, đăng ký kinh doanh; hợp tác xây dựng chợ biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, đường giao thông giữa hai nước ở các cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa lớn như Mộc Bài (Tây Ninh), Dinh Bà (Đồng Tháp), Tịnh Biên (An Giang)...

Cụ thể, để khuyến khích phát triển du lịch vùng biên, kiến nghị Chính phủ nâng mức miễn thuế nhập khẩu cho du khách mua hàng ở khu kinh tế cửa khẩu từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng. Kế đến cần đàm phán với chính phủ Campuchia miễn visa nhập cảnh cho cư dân biên giới hai bên; trồng cây công nghiệp như cao su, điều, cà phê để bảo vệ rừng và môi trường trên tuyến biên giới; nâng cấp một số cửa khẩu phụ ở Kon Tum, Đắc Nông, Long An, An Giang và một số cửa khẩu quốc gia như Bu Prăng (Đắc Nông), Bình Hiệp (Long An) lên thành cửa khẩu quốc tế.

Các biện pháp trong công tác xúc tiến thương mại (với các hội nghị đánh giá tình hình và kế hoạch hợp tác giữa hai bên, trao đổi thông tin, cam kết chống buôn lậu và hàng gian lận thương mại, tổ chức hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm và tiền năng kinh tế vùng biên); đầu tư phát triển hạ tầng thương mại (đường giao thông, chợ, kho tàng, bến bãi, cửa hàng, siêu thị...); đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, hoàn thiện quản lý hoạt động thương mại biên giới... cũng sẽ được nhanh chóng triển khai. Theo đó, chủ trương chung là kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, cùng góp vốn đây xây dựng hoàn thiện hạ tầng ở các cửa khẩu, đầu tư vào sản xuất tại các vùng tiếp giáp biên giới. 

Tính đến 2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 8 khu kinh tế cửa khẩu. Tổng diện tích của 8 khu kinh tế cửa khẩu này là 6.677 km2, dân số khoảng 1.455 ngàn người, chiếm 2,7% về diện tích và 5,2% về dân số các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia. Các khu kinh tế cửa khẩu đã đóng góp 34,4% kim ngạch xuất nhập khẩu; 6% thu ngân sách; 10,2% thuế xuất nhập khẩu của 23 khu kinh tế cửa khẩu cả nước.

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục