Tuần qua, giới đầu tư trên địa bàn TPHCM rúng động khi Sở Thương mại ra quyết định rút giấy phép hoạt động của trên 300 văn phòng đại diện nước ngoài trên địa bàn. Nhưng, con số này không chỉ dừng ở đây.
Một vị lãnh đạo của sở này cho biết, tới đây sẽ tiếp tục thông báo đình chỉ hoạt động thêm 190 văn phòng đại diện nữa. Ông này cho biết, dù TP đang nỗ lực trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư và thương mại, nhiều chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư cũng được triển khai, nhưng các nhà đầu tư đến đây làm ăn cũng phải chấp hành luật pháp Việt Nam và sẽ không có sự thiên vị nào ở đây.
Lần lại sự kiện này mới thấy, công tác hậu kiểm sau cấp phép một thời gian dài bị buông lỏng khiến cho nhiều văn phòng nước ngoài đã hoạt động vượt quá khuôn khổ luật pháp cho phép mà không bị thổi còi.
Nhiều văn phòng đại diện nước ngoài sau khi cấp phép đã hoạt động “tùy thích”, hoạt động trong lĩnh vực không đăng ký trong giấy phép; tổ chức các hoạt động kinh doanh có thu; không khai báo đúng số người tuyển dụng và thu nhập để nộp thuế; không thực hiện báo cáo tình hình hoạt động hàng năm về cho cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật... Điều này dẫn đến tình trạng khi Chính phủ quyết định đăng ký lại văn phòng đại diện nước ngoài, nhiều nhà đầu tư đã không chấp hành, dù được gia hạn thêm 2 lần kéo dài đến 1 năm.
Điều này có thể thấy, khi cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý bằng việc kiểm tra một số văn phòng đại diện nước ngoài thì số văn phòng bị phạt vì vi phạm các quy định và số thuế thu được tăng lên khủng khiếp.
Đơn cử, nếu trước đây số thuế thu nhập cá nhân của nhân viên từ các văn phòng đại diện nước ngoài mà cơ quan thu được bình quân khoảng 300 tỷ đồng/năm. Năm 2006, Sở Thương mại tăng cường công tác kiểm tra, buộc các văn phòng phải kê khai thu nhập và số lượng người tuyển dụng, số thuế thu nhập cá nhân thu được đã ngay lập tức tăng lên 600 tỷ đồng/năm.
Trong năm 2007, số thuế này thu được khoảng 800 tỷ đồng. Qua kiểm tra, số tiền phạt các văn phòng vi phạm trong năm 2006 khoảng 3 tỷ đồng và năm 2007 khoảng 4 tỷ đồng. Đó mới chỉ là thu từ các văn phòng bị kiểm tra và có tác động đến các văn phòng khác khiến họ tự động khai báo. Còn nhiều văn phòng đại diện vẫn chưa được kiểm tra hết.
Năm qua, nhiều lần các cơ quan quản lý đã yêu cầu các văn phòng đại diện nước ngoài đăng ký lại để nắm lại tình hình, vì thực tế có những văn phòng nước ngoài đã không còn hoạt động, hoặc thay đổi địa điểm, nhưng cũng không thông báo cho cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, cho đến hết thời hạn quy định và thời hạn gia hạn thêm, nhiều văn phòng đại diện nước ngoài vẫn không chấp hành. Cơ quan chức năng đã phải ra các quyết định xử phạt hoặc rút giấy phép thành lập văn phòng đại diện. Điều này có thể gây sốc đối với một số nhà đầu tư, nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khi hoạt động tại Việt Nam phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của luật pháp Việt Nam.
Tinh thần thượng tôn pháp luật phải được thực thi và thấm nhuần trong doanh nhân. Có như vậy mới có thể tạo được môi trường đầu tư và kinh doanh bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
VĂN MINH HOA