Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Khoa Công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Văn Lang đã đưa ra một số kinh nghiệm trong việc quản lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay trên địa bàn TPHCM. Trong đó, nhấn mạnh tới việc siết chặt hợp đồng thu gom rác, căn cứ vào hợp đồng ký kết để có thể dễ dàng quy trách nhiệm, để từ đó nâng cao chất lượng thu gom, đảm bảo mỹ quan TP.
Theo TS Nguyễn Trung Việt, trong quá trình thực hiện, rất nhiều “sự cố” nảy sinh mà cho đến nay nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết được, chủ yếu là do phía cơ quan quản lý nhà nước vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc không quy định trong hợp đồng. Chẳng hạn như, giao khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ít hơn so với hợp đồng do việc điều hành thiếu thống nhất trong toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt khi TP có nhiều đơn vị thu gom, trung chuyển và vận chuyển, xử lý và tái chế, nhiều địa điểm xử lý (tiếp nhận) chất thải rắn.
Bên cạnh đó, các quy trình giám sát và kiểm tra, nghiệm thu và thanh toán chưa có hoặc chưa đồng bộ, thường xuyên sai và trễ hạn do nhiều nguyên nhân, như quy trình thanh toán khác với các quy định bình thường, thời gian thanh toán ngắn hơn. Ngoài ra, cán bộ quản lý rất bị động, không có khả năng giải quyết các vấn đề nảy sinh do cơ chế không cho phép và do năng lực yếu. Sự can thiệp “truyền thống” của các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức và viên chức vào các hoạt động của các công ty. Mối quan hệ “phức tạp” giữa các công ty, cá nhân cung cấp dịch vụ với các cơ quan quản lý nhà nước làm khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh. Hơn nữa, có sự “độc quyền” trong việc cung cấp dịch vụ công…
Do vậy, để khắc phục những vấn đề trên, cơ quan chuyên trách cần lưu ý đến một số vấn đề. Trước tiên, cần hiểu rõ, tránh nhầm lẫn các khái niệm cơ bản, như chất thải rắn sinh hoạt bao gồm những gì; dịch vụ công và cung cấp dịch vụ công; xã hội hóa; nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, phí, lệ phí và phương thức sử dụng; các loại công nghệ xử lý và tái chế… Song song đó, cần lưu ý đến điều kiện kinh tế và xã hội của TPHCM khi thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, cần quan tâm đến vấn đề ngân sách, hệ thống giám sát và kiểm tra chất lượng, khiếu nại, khiếu kiện khi xảy ra tranh chấp…
Đối với hợp đồng, quá trình xây dựng cần quan tâm, cân nhắc đến hàng loạt vấn đề, như đội ngũ chuyên gia có đủ kiến thức, kinh nghiệm để soạn thảo hợp đồng. Nhất là chuyên gia phải có quyền quyết định trong một phạm vi nhất định. Cơ sở pháp lý, lưu ý trong các trường hợp hợp đồng với công ty nước ngoài. Thời gian của hợp đồng; giá xử lý vận hành; tính đến phương án trượt giá; thuế (thuế nhập khẩu thiết bị, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…). Cần lưu ý đến quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ, xác nhận khối lượng, nghiệm thu và thanh quyết toán cần được thỏa thuận trên cơ sở văn bản pháp luật rõ ràng, ghi chi tiết trong hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản về tài chính. Khi thương thảo hợp đồng, các vấn đề thương thảo phía cơ quan nhà nước thường mất rất nhiều thời gian do nhiều cấp liên quan trước khi có quyết định cuối cùng.
Cần lưu ý hai nguyên tắc khác nhau, đó là cơ quan nhà nước chỉ được làm khi được phép và các tổ chức, cá nhân được làm khi pháp luật không cấm. Hạn chế đến mức thấp nhất kêu gọi đầu tư cung cấp dịch vụ công và đàm phán hợp đồng khi TP đã ở tình thế cấp bách, như TP đã hết nơi đổ chất thải rắn sinh hoạt.
GIA HÂN (ghi)