° Ngăn ngừa trên 450.000 người không bị lây nhiễm HIV
(SGGP).- Theo ông Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua 3 thập kỷ, với những thành tựu rất đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật là công tác phòng, chống HIV/AIDS giảm ở 3 chỉ số, gồm: số người nhiễm HIV được phát hiện hàng năm giảm; số người nhiễm HIV chuyển sang dạng AIDS giảm; số tử vong do AIDS cũng giảm.
Theo ước tính, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam từ năm 2001 đến nay đã ngăn ngừa được khoảng 450.000 người không bị lây nhiễm HIV. Để có được thành tựu đó là nhờ có các chương trình điều trị hợp lý và triển khai can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như: chương trình phát bao cao su, bơm kim tiêm… góp phần làm cho nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao đã giảm rõ rệt.
Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã ngăn ngừa được khoảng 450.000 người không bị lây nhiễm HIV
Tuy nhiên, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng thẳng thắn cho biết, hiện nay công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, như: tình hình lây nhiễm HIV tuy kiềm chế để không gia tăng trong các nhóm nguy cơ cao, nhưng hàng năm vẫn phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới; nguy cơ lây nhiễm cao trong các nhóm đối tượng như: phụ nữ bán dâm, tiêm chích ma túy. Đặc biệt, hiện nay, tất cả các tổ chức quốc tế đang có kế hoạch sau năm 2018 sẽ cắt giảm hoàn toàn các hỗ trợ liên quan đến thuốc, sinh phẩm và xét nghiệm phòng chống HIV/AIDS. Trong khi đó, 80% nguồn kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV tại Việt Nam là do các nhà tài trợ quốc tế cung cấp. Do nguồn ngân sách cho phòng chống HIV/AIDS ngày càng giảm bởi các nhà tài trợ đang rút dần khỏi Việt Nam thì việc tìm nguồn lực thay thế để duy trì cung cấp hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV là hết sức cấp thiết.
MINH KHANG