Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020
(SGGPO).- Sáng nay (12-4), với 93,52% ĐB tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 ẢNH: LÃ ANH
Mục tiêu trong 5 năm tới là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh... Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Kiểm soát lạm phát dưới 4%
Một trong những yêu cầu của Quốc hội trong điều hành 5 năm tới với Chính phủ là phải phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước; thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, Luật phí và lệ phí, Luật thuế. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách.
Phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân
Quốc hội cũng yêu cầu chuyển phương thức quản lý đầu tư công theo kế hoạch hằng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, nâng cao hiệu quả đầu tư. Bố trí nguồn lực tài chính nhà nước phù hợp để tham gia và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia; bảo đảm và nâng cao tính ổn định các cán cân lớn, tiến tới thặng dư cán cân thương mại, xây dựng lộ trình giảm dần tình trạng mất cân đối trong quan hệ thương mại với một số nước góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Nghị quyết cũng yêu cầu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư đạt chỉ số nhóm 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả, thực chất, đúng mục tiêu, có thời hạn cụ thể hoàn thành và thực hiện nghiêm các quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nghiên cứu, hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp tình hình mới. Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân; hoàn thiện pháp luật, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên. Đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thúc đẩy xã hội hoá sở hữu và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển các hình thức doanh nghiệp cổ phần. Trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.
Tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống nông dân, chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao có chuyển biến rõ rệt năm 2016 và năm 2017.
Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm
Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kê khai trung thực, chính xác đầy đủ của người kê khai và cơ quan có trách nhiệm kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Đánh giá kiểm soát dòng tiền thu nhập thông qua mở tài khoản tại ngân hàng, trên cơ sở đánh giá hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ, thực chất. Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả; cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân; phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan thông tin truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm của nhiệm kỳ, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; cuối năm 2018 báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ.
|
Hà My