Cơn bão lốc tại Wall Street

Kỳ 1: Hồ sơ Enron

Kỳ 1: Hồ sơ Enron

Kỳ 1: Hồ sơ Enron ảnh 1

Kenneth L. Lay (giữa) cùng gia đình Bush.

Nguyên Tổng giám đốc điều hành Công ty Năng lượng Enron, Kenneth L. Lay, đã đầu thú sáng thứ năm 8-7-2004, một ngày sau khi Tòa Houston (Texas) phát lệnh khởi tố đương sự. Kenneth L. Lay, 62 tuổi, từng là đề tài thời sự khi Enron phá sản cuối năm 2001. Vụ xử Kenneth L. Lay sẽ là một trong những vụ án kinh tế phức tạp nhất lịch sử doanh nghiệp Mỹ bởi có dính dáng nhiều nhân vật cộm cán trong nội các T.T. Bush đương nhiệm… 

Enron lớn đến mức không ai tin nó có thể sụp đổ. Giá trị thị trường công ty đứng hàng thứ bảy này tại Mỹ năm 2000 là hơn 77 tỉ USD. Trước khi sụp đổ, Enron có 7.500 nhân viên làm việc tại tòa nhà 50 tầng ở trung tâm Houston.

Vụ phá sản của Enron đã tạo ra một xì căng đan không chỉ trong kinh tế mà còn chính trị bởi các mối liên hệ dzích dzắc trong chính trường, liên quan trực tiếp đến nhiều gương mặt chóp bu trong đó có Tổng thống George W. Bush.

Cuộc điều tra được tiến hành ở thời điểm hiện tại cho thấy Tổng thống Bush chưa mắc sai phạm gì trong vụ Enron nhưng mối liên hệ gần gũi giữa Chủ tịch Enron Kenneth L. Lay và Bush thì không có gì tranh cãi. Lay là bạn thân Bush trong nhiều năm và giới điều hành Enron đóng góp tài chính cho sự nghiệp chính trị của Bush nhiều hơn bất cứ ai khác. 

Trước khi đệ đơn phá sản, Enron đã tham khảo ý kiến Bộ trưởng Ngân khố Paul H. O’Neill, Phó Tổng thống Dick Cheney và xin lời khuyên từ Chủ tịch Ủy ban Chiến dịch tranh cử tổng thống của Bush – Donald L. Evans, người hiện ngồi ghế Bộ trưởng Thương mại.

Nhà Trắng bác bỏ mọi nghi vấn về việc Bush được thông báo trước vụ sụp đổ của Enron. Vụ việc càng nghiêm trọng khi Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft cũng nhận đóng góp tài chính từ Enron và Kenneth L. Lay.

Một trong những yếu tố chính “cấu thành” nên xì căng đan là nhiều viên chức cấp cao trong công ty đóng ở Texas này đã có thể bán số cổ phiếu trị giá 1 tỉ USD trước khi loan báo vụ phá sản, trong lúc hàng ngàn nhân viên bị ngăn không được bán cổ phiếu riêng. 

Ngoài ra, hãng kiểm toán Arthur Andersen LLP tiết lộ thêm rằng nhiều tài liệu liên quan đã bị hủy. Tóm lại, tất cả tình tiết xung quanh Enron cho thấy đây là một vụ hình sự kinh tế chứ không đơn giản là vụ sập tiệm của một công ty làm ăn đàng hoàng nhưng thua lỗ.

Và với một người xây dựng tình bạn từ các đóng góp tài chính bầu cử của Lay từ tận năm 1978 như George W. Bush, khó có thể tin ông hoàn toàn mù tịt về số phận Enron trước khi nó sụp đổ. Bush “khai” rằng ông gặp Lay lần cuối cùng vào ngày 30-4-2001 tại Texas, trong cuộc vận động lập quỹ cho tổ chức giáo dục của cựu đệ nhất phu nhân Barbara Bush.

Lúc đó, giá cổ phiếu Enron gần 60 USD, so với 67 xu vào những ngày sau khi vụ phá sản được công bố hạ tuần tháng 12-2001. 

Một chi tiết khác gây chú ý không kém là nhiều nhà phân tích tài chính liên tục đánh giá cao Enron, cho đến sát thời điểm nó sụp đổ. Ngày 15-8-2001, sau khi cổ phiếu Enron bắt đầu mất giá, nhà phân tích David Fleischer thuộc công ty kiểm toán uy tín Goldman Sachs & Co đã tung ra bản báo cáo đệ trình cổ đông Enron, nói: “Nhiều cổ đông tin rằng nơi nào có khói nơi đó ắt có lửa. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng không hề có lửa ở Enron”. 

Theo chuyên san tài chính Bloomberg Markets, đến trung tuần tháng 10-2001, vẫn có ít nhất 6 nhà phân tích nổi tiếng ở Wall Street tiếp tục khuyên nên mua cổ phiếu Enron. Chưa đầy hai tháng sau, ngày 2-12-2001, Enron đệ đơn phá sản. Vài người cho rằng các nhà phân tích trên đã nhận phong bì của Enron; vài người khác nói rằng do Enron không cung cấp cho giới phân tích đủ thông tin cần thiết. 

Các ông nghị Dân chủ đang yêu cầu Nhà Trắng tiết lộ hồ sơ về tất cả mối quan hệ với Enron, trong đó có cả băng lưu trữ ghi lại các cuộc điện đàm và e-mail. Trong khi đó, Enron đang thuê nhiều luật sư giỏi nhất nước Mỹ – những người có bề dày kinh nghiệm tháo ngòi các xì căng đan động trời, như David Boies (đại diện thân chủ Andrew S. Fastow, Tổng giám đốc tài chính Enron), W. Neil Eggleston (đại diện các giám đốc khác của Enron) và Robert S. Bennett (người từng giải cứu cựu Tổng thống Bill Clinton trong vụ kiện của Paula Jones liên quan xì căng đan Monica Lewinsky).

Vụ Kenneth L. Lay là một trong những vụ án kinh tế nghiêm trọng và phức tạp nhất trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ.

Vụ Kenneth L. Lay là một trong những vụ án kinh tế nghiêm trọng và phức tạp nhất trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ.

Dave Skidmore – phát ngôn viên Ban dự trữ liên bang – cho biết Chủ tịch Enron Kenneth L. Lay đã liên lạc với Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Alan Greenspan vào ngày 26-10-2001 và Greenspan “không phản ứng gì trước cú điện (của Lay)”.

Sau đó, Lay điện cho Bộ trưởng Thương mại Donald L. Evans vào ngày 26-10 và cuối cùng điện cho Bộ trưởng Ngân khố Paul H. O’Neill ngày 28-10. “Rõ ràng Nhà Trắng biết rằng Enron sắp phá sản nhưng không làm gì để bảo vệ các nhân viên và cổ đông vô tội” – phát biểu của dân biểu Dân chủ Henry Waxman.

Công bố từ Ủy ban Bầu cử liên bang cho biết Bush đã nhận gần 114.000 USD từ Enron trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Tổng cộng, Enron góp khoảng 2 triệu USD từ năm 1999 đến 2001, cho Bush và các ông nghị thuộc hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa). 

Kenneth L. Lay cũng hội kiến Phó Tổng thống Dick Cheney hay các tùy viên của Cheney 6 lần vào năm 2001. Cần nhấn mạnh một chi tiết: Karl Rove – người được xem là quân sư của Bush – từng sở hữu một cổ phiếu Enron vào đầu nhiệm kỳ Bush nhưng sau đó bán (theo luật cấm của liên bang). Chưa hết, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Lindsey cũng kiếm được 50.000 USD từ Enron khi có chân trong ban giám đốc công ty vào năm 2001. 

Ngoài ra, người ta cũng đang chĩa mũi dùi vào Phil Gramm (thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện Texas), người từng ngồi ghế Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng thượng viện ở thời điểm mà vợ ông – Wendy L. Gramm – có chân trong Ban giám đốc Enron.

Năm 2001, ủy ban của Phil Gramm đã chuẩn thuận một điều khoản quan trọng mang nội dung miễn trừ điều tra liên bang vài hoạt động mua bán năng lượng của công ty này! Trong thực tế, Enron không chỉ quan hệ gần gũi với Cộng hòa mà cả Dân chủ (dù ít hơn).

  Lay từng chơi golf với Tổng thống Bill Clinton và đóng góp hàng trăm ngàn đôla cho các ủy ban vận động tranh cử Dân chủ cũng như nhiều ông nghị Dân chủ, trong đó có thượng nghị sĩ Charles E. Schumer và dân biểu Martin Frost (có chân trong Ủy ban các điều luật Hạ viện)…

Tổng cộng, từ năm 1995 đến 2000, Enron góp 4,4 triệu USD cho các ứng cử viên tổng thống và quốc hội, hơn bất kỳ công ty nào trừ UPS và Lockheed Martin. 71 trong 100 thượng nghị sĩ hiện tại đều nhận tiền của Enron. 

Ngay những ngày đầu mới thành lập vào tháng 7-1985, Enron đã xây dựng quan hệ với Washington và được giúp đỡ từ Nhà Trắng cũng như Ủy ban điều phối năng lượng liên bang (FERC). Lúc đó, tiến sĩ kinh tế Kenneth L. Lay là Chủ tịch Ủy ban tổ chức hội nghị quốc gia Cộng hòa (điều phối chương trình vận động tranh cử của Cộng hòa). Quan hệ này kéo dài đến nay.

Không có gì ngạc nhiên khi biết rằng nhiều viên chức Chính phủ George W. Bush từng làm việc tại Enron: Tư lệnh Bộ binh Thomas White Jr từng là phó chủ tịch bộ phận dịch vụ năng lượng Enron và thành viên Ủy ban điều hành Enron; đại diện thương mại Nhà Trắng Robert Zoellick từng ngồi trong Hội đồng cố vấn Enron; Chủ tịch Ủy ban quốc gia Cộng hòa Mark Racicot (nguyên Thống đốc bang Montana) được bổ nhiệm vào tháng 12-2001 cũng từng là cố vấn Enron. 

Vụ việc càng phức tạp khi J. Clifford Baxter – 43 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Công ty Năng lượng Enron – đã tự sát vào ngày 25-1-2002 trong chiếc Mercedes-Benz đậu cách nhà riêng không xa tại khu ngoại ô Sugar Land (Houston).

Từ chức vào tháng 5-2001, vài tháng trước vụ sập tiệm của Enron, Baxter là một trong những viên chức cấp cao Enron bị Ủy ban thương mại và năng lượng Hạ viện đòi ra thẩm cung với đơn kiện liên bang buộc tội ông cùng nhiều gương mặt tai to mặt bự khác trong Enron rút rỉa các khoản tiền khổng lồ trước khi công ty đệ đơn phá sản. 

Cùng 29 viên chức nghỉ hưu và đương nhiệm trong ban điều hành Enron, Baxter bị tình nghi vét được 1,1 tỉ USD bằng cách bán cổ phiếu Enron từ tháng 10-1998 đến tháng 11-2001 (trong đó phần Baxter là 35,2 triệu USD). Vụ tự tử xảy ra vài ngày sau khi chủ tịch Enron Kenneth Lay nộp đơn từ chức.
(Còn tiếp)

HOÀNG MINH

Tin cùng chuyên mục