ASEAN đang cùng 6 nước đã có ký kết hiệp định thương mại song phương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và New Zealand thiết lập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Sau gần 3 năm đàm phán, RCEP đang đi đến giai đoạn kết thúc và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 11-2015. Vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lợi gì từ hiệp định này?
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương cho rằng, bất kỳ hiệp định thương mại nào cũng hướng đến lợi ích cho doanh nghiệp của quốc gia mình nhờ giảm các dòng thuế xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác. Đơn cử như Hiệp định TPP (hiện đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng) hay những hiệp định Việt Nam đã ký kết song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc… Nếu không có hiệp định thương mại, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này phải đóng mức thuế từ 10% - 30%.
Ngược lại, nếu hiệp định được ký kết thì mức thuế xuất khẩu hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng có thể chỉ là từ 5% - 0%. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu thì quy tắc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là quan trọng nhất. Doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là từ Việt Nam. Và đây cũng chính là điểm yếu nhất mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải.
Nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu từ các nước khác trên thế giới. Trong nhiều năm qua, mặc dù nhà nước đã cố gắng hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào ngành sản xuất nguyên liệu, nhưng cho đến nay, chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Nhiều nguyên nhân đã được các doanh nghiệp đưa ra như thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thu hồi vốn chậm, rủi ro cao… Trên thực tế, hiện phần lớn những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nguyên liệu sản xuất ra chỉ để cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất thành phẩm nằm trong chuỗi hệ thống sản xuất của họ.
Việc ký kết Hiệp định RCEP có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang nhập siêu khá lớn từ khu vực này. Theo đó, nguồn nguyên liệu sản xuất doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN và 6 nước cộng thêm cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.
Theo đó, mức thuế suất ưu đãi cho các sản phẩm này sẽ được đưa về từ 5% - 0%. Điều này đã mở rất rộng vùng xác định nguyên liệu sản xuất cho sản phẩm Việt Nam. Từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho sản phẩm Việt khi tham gia vào thị trường chung thế giới. Có thể nói, với cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển đa dạng của các nước trong khối, Hiệp định RCEP được đánh giá là một thể chế hội nhập kinh tế quốc tế quan trọng, chi phối đến 48% dân số và 30% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.
MINH XUÂN