Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020): Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh

Năm nay đất nước ta trang trọng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng ta, dân tộc ta mãi ghi sâu công ơn trời biển của Bác. Tên Bác - Hồ Chí Minh luôn gắn với Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng, thế hệ Hồ Chí Minh.
Từ chiếc máy chữ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra đời nhiều văn kiện quan hệ đến vận mệnh của Tổ quốc. Ảnh: TƯ LIỆU

Từ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Ái Dân…

Năm 2019 vừa qua là tròn 100 năm Bác mang tên Nguyễn Ái Quốc. Đó là lúc Bác còn rất trẻ, đang ở nước Pháp, phương Tây. Nguyễn Ái Quốc ở tuổi 20 đã gửi đến Hội nghị Versailles (hội nghị của các đế quốc thắng trận sau Thế chiến lần thứ nhất, để chia thuộc địa) bản yêu sách đòi quyền dân chủ cho một dân tộc dưới ách nô lệ, thuộc địa. Bác là người dân thuộc địa mất nước, mà Bác thay mặt dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Versailles một bản yêu sách gồm 8 điểm. Trong 8 điểm đó có một số điều rất quan trọng. Bác đề nghị hãy bỏ việc ra các sắc lệnh bằng việc ban hành đạo luật; Bác đòi quyền tự do lập hội, tự do báo chí cho dân tộc Việt Nam; Bác đòi độc lập cho người Việt Nam và người Đông Dương nói chung... 8 điều yêu sách đó của Nguyễn Ái Quốc đã đi vào lịch sử thế kỷ 20 như một văn kiện quan trọng. Dĩ nhiên, các nước đế quốc không bao giờ chấp nhận những đòi hỏi đó, vì dã tâm của họ là áp bức, thống trị các dân tộc, bóc lột người lao động.

Riêng với Việt Nam, họ coi đây là một thuộc địa khai thác tài nguyên để bóc lột nhân công rẻ mạt. Vậy mà Bác đã chính thức có một tiếng nói phản kháng như vậy, công khai gửi đến hội nghị các nước đế quốc đòi độc lập cho dân tộc Việt Nam và Bác ký tên là Nguyễn Ái Quốc. Một cái tên rất tượng trưng, tức là người thanh niên họ Nguyễn yêu nước. Và cũng từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã đi vào lịch sử thế giới như một nhân vật nổi bật. Còn đế quốc thực dân thì chính thức ghi tên Bác vào sổ đen của mật thám, theo dõi Bác suốt ngày đêm. Tại sao Bác phải bí mật như vậy, tại sao Bác phải luôn cải trang như vậy; tại sao Bác phải dùng tới 175 cái tên trong cuộc đời mình như vậy?... Chính vì để che mắt đế quốc thực dân, để vượt qua tất cả vòng kiềm tỏa của đế quốc thực dân, để hoạt động và cuối cùng thắng lợi. Nguyễn Ái Quốc là cái tên thiêng liêng như thế.

Khi Việt Nam đã độc lập, khi Quốc hội nước ta chính thức bầu Bác làm nguyên thủ quốc gia, tức là Chủ tịch nước, thì Bác lại đổi tên thành Nguyễn Ái Dân. Ái Quốc là yêu nước, Ái Dân là yêu dân. Đời Bác chỉ xoay quanh chữ Dân, chữ Nước. Đấy là công lao trời biển của Bác, mà chúng ta suốt đời chịu ơn, ghi ơn, để nguyện xứng đáng với Bác. Bác lấy tên là Nguyễn Ái Dân, xuất xứ từ bức thư gửi cho ngành y tế. Bác nói là: Y đức là hàng đầu, lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền, phải chăm sóc người bệnh, nhất là phụ nữ, trẻ em như người ruột thịt của mình. Cuối bức thư, Bác không ký là Hồ Chí Minh, Bác ký là Nguyễn Ái Dân, tức là yêu dân. Cho nên ta mới càng rõ ra, đời Bác chỉ xoay quanh 2 chữ Nước, Dân.

… đến Hồ Chí Minh

Cùng với ký tên Nguyễn Ái Quốc, Bác dùng tên Hồ Chí Minh, không phải từ năm 1941 khi từ Trung Quốc về đến Pắc Pó, Cao Bằng, mà từ năm 1942. Lúc ấy, giữa núi rừng Việt Bắc Bác viết một tác phẩm quan trọng, lấy tên là “Lịch sử nước ta”, mà Bác viết bằng thơ. Bác lấy tên Hồ Chí Minh chính thức từ năm 1942, sau khi viết xong tác phẩm này. Ở trong núi rừng như vậy, trong hoàn cảnh như vậy, lấy đâu ra tài liệu, Bác chỉ bằng trí nhớ, mà Bác nhớ không quên một chi tiết, một sự kiện nào. Từ thời Hùng Vương dựng nước, các thời đại Đinh, Lý, Trần, Lê, cho đến tận khi Pháp xâm lược Việt Nam. Bác viết tất cả các sự kiện đó trong một quyển sử bằng thơ. Bác dặn chúng ta là: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Và năm 1942 Bác còn đưa ra một dự báo thiên tài: Năm 1945, Việt Nam sẽ độc lập. Bác Hồ của chúng ta là một khối óc vĩ đại, là một nhà tiên tri của lịch sử rất kỳ diệu, không một sự kiện nào Bác đưa ra mà lại không khớp với thực tiễn. Năm 1945, lúc Đảng mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên mà đã lãnh đạo thành công một cuộc cách mạng vĩ đại như vậy, chỉ đứng sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Cuộc cách mạng ấy đã mở ra một thời đại mới Việt Nam, mang tên Thời đại Hồ Chí Minh, do Bác và Đảng lãnh đạo. Đấy là điều dự báo đầu tiên của Bác đi vào hiện thực.

Bác sử dụng tên Hồ Chí Minh từ năm 1942, cho đến khi viết Di chúc và lúc mất. Qua nghiên cứu, chúng ta mới thấy chữ Hồ Chí Minh của Việt Nam trùng với nghĩa là Bồ Tát - Đức Phật. Đây là giải thích chính thức của Nhật Bản. Ở cố đô Kyoto có một ngôi chùa nổi tiếng tên là Thanh Thủy Tự. Trụ trì ngôi chùa nổi tiếng này là một vị đại sư tên Onisi. Cụ yêu thương Bác vô hạn. Khi Bác mất, cụ viết bài thơ khóc Bác. Cụ đã từ Nhật Bản sang Pháp tìm đoàn đại biểu Việt Nam ở Paris đang đàm phán ngoại giao tại đây để trao bài thơ mà cụ khóc Bác. Cụ giải thích: “Chữ Hồ Chí Minh của các bạn là trùng với từ Bồ Tát của Nhật Bản. Hồ là Bồ Tát. Chí Minh là Tri - Dân (tri là tri thức, trí tuệ; dân là nhân dân). Vị Bồ Tát sống thời hiện đại mang trí tuệ, anh minh của nhân dân”.

Đấy là tất cả vẻ đẹp trí tuệ cao quý mà tên Bác biểu đạt, tức là Hồ Chí Minh. Khi về nước năm 1941 ở Pắc Pó, Cao Bằng, việc làm đầu tiên của Bác là đặt tên núi Các Mác và suối Lênin, để lòng dặn lòng trung thành với lý tưởng. Đồng thời Bác tự tay vẽ tượng Phật trên vách núi cho dân thờ, thì đúng Bác là người cộng sản mang cái tâm của nhà Phật. Ở Thái Lan, Bác đã từng lấy tên là Thầu Chín, mặc áo cà sa nhà Phật đi khất thực, thật ra là đi vận động cách mạng. Buổi tối Bác ngủ trong chùa như các vị sư sãi. Bác vận động dân làm cách mạng, nhất là người Việt Nam ở Thái Lan lúc bấy giờ…

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vô cùng kính mến của dân tộc và của Đảng ta. Người là biểu tượng cho tất cả những giá trị cao đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã làm rạng rỡ dân tộc ta, đất nước ta, và tên Người sáng mãi với non sông, đất nước Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục