Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968 - 2008): Nhớ lại một trận đánh

Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968 - 2008): Nhớ lại một trận đánh

Đường Nguyễn Du tấp nập, náo nhiệt vào một ngày giáp xuân Mậu Tý 2008. Ngay ngã tư Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân, cây sao cả trăm năm tuổi vẫn sừng sững cùng lịch sử. Nơi đây, 40 năm về trước, trận đánh Dinh Độc Lập của Đội 5, Biệt động Sài Gòn đã đi vào lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Ngày ấy, bên gốc cây sao... 

“Ầm…”, một chiếc xe hơi loại nhỏ bất ngờ tông thẳng vào cổng sau Dinh Độc Lập (đường Nguyễn Du) lúc 1 giờ 45 phút ngày 31-1-1968 làm bọn lính canh hoảng sợ. Tổ xung kích trên chiếc xe đi đầu kích nổ liền 3 khối thuốc để phá cổng nhưng bất thành do thuốc nổ bị ẩm.

Một số chiến sĩ trên xe nhảy xuống nổ súng tiêu diệt ngay đội gác cửa và xông vào cửa nhỏ bên cạnh. Các chiến sĩ trên 2 chiếc xe khác vừa trờ tới cũng lao vào trận địa. Bọn lính bên trong bắn chặn xối xả. Hai chiến sĩ hy sinh khi mới tiến được khoảng 50m, một chiến sĩ khác bị thương nặng. Không vào được, cả đội phải triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du, bên các gốc cây sao…

Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968 - 2008): Nhớ lại một trận đánh ảnh 1

Cựu chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn - Gia Định tại nhà ông Năm Lai (287/70 Nguyễn Đình Chiểu Q3) - một cơ sở chứa vũ khí trong trận đánh Dinh Độc Lập năm 1968.

Sau 30 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt 25 tên lính Mỹ - ngụy. Lúc ấy, đang đứng bên gốc cây sao cùng anh Ba Thanh (tức Tô Hoài Thanh) - Chỉ huy trưởng Đội 5, Chín Nghĩa nghe thấy vài tiếng nổ đanh thép ngay cạnh, cô thấy nhói đau ở cạnh sườn.

Chín Nghĩa quay lại cũng là lúc thấy anh Ba Thanh chới với ngã vào lòng cô. Một dòng máu ấm nhuộm thẫm đôi bàn tay cô. Chín Nghĩa la to: “Anh em ơi, anh Ba trúng đạn rồi”. Một số đồng đội lao tới.

Thấy anh Ba thoi thóp thở, nước mắt ai cũng vòng quanh. Một lời nói cất lên: “Chắc tôi không xong rồi, anh em ráng chiến đấu tới cùng!”. Lời nói vừa tắt, cũng là lúc Ba Thanh lịm dần trên tay Chín Nghĩa…

Ngày ấy, cũng bên gốc cây sao, anh lính trẻ 19 tuổi Nguyễn Đức Hòa nghẹn ngào bên người đồng đội Năm Lùn (tức Mai Văn Năm). Lúc đó, trận chiến ở cổng sau Dinh Độc Lập đi vào hồi ác liệt. Sau khi tiêu diệt 2 xe Jeep cùng một toán lính địch, một số chiến sĩ của ta đã hy sinh.

Thi thể chiến sĩ biệt động nằm rải rác khắp nơi. Mọi người quyết định: Vào cố thủ ở tòa nhà cao tầng 56, Thủ Khoa Huân đang xây dựng dở dang đối diện cổng sau của dinh. Ghé vai dìu người đồng đội bị thương nặng Năm Lùn, nước mắt anh lính trẻ Nguyễn Đức Hòa cứ chực tuôn rơi.

Người đồng chí, người mà anh gọi bằng cái tên thân thương - chú Năm đang bị thương rất nặng, máu tuôn đầm đìa. Nhưng người đồng chí ấy không chịu đi: “Cậu đi đi, đừng lo cho tôi, tôi bị thương nặng lắm, không qua nổi đâu”. Hòa cố ghé vai dìu chú Năm đi bằng được. Còn chú Năm thì trì lại: “Để tôi lại, ráng chiến đấu nghen Hòa”. Nói đến đây, chú Năm Lùn thở hắt…

Một ngày và hai đêm quyết tử  

40 năm sau trận chiến lịch sử ấy, ký ức về một ngày và hai đêm quyết tử ở Dinh Độc Lập vẫn còn mãi trong tâm khảm của những chiến sĩ biệt động năm nào. Nhớ lại giây phút cuối cùng bên người đồng đội cũng là người thủ trưởng thân yêu Ba Thanh, bà Chín Nghĩa ngậm ngùi: “Lúc ấy, tôi không thể khóc được nhưng thấy đau nhói trong tim, người chỉ huy kiên cường, người anh thân thiết hy sinh ngay trên tay. Không còn anh nữa rồi!”.

Chính sự hy sinh của anh Ba Thanh, Năm Lùn, Cuộc, Xuân… khi trên tay vẫn cầm cây súng và ánh mắt hướng về phía kẻ thù đã khiến những anh em còn sống giữ vững khí tiết với lời thề quyết tử trước lúc lâm trận.

Ông Nguyễn Đức Hòa nhớ lại: “Nhìn thi thể bảy người đồng chí nằm rải rác đó đây, chúng tôi, những người còn lại quyết chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Dù hy sinh nhưng phải một mất một còn với địch”. Mọi người gom góp vũ khí, dìu những chiến sĩ bị thương tiến vào ngôi nhà 3 tầng đối diện và tiến lên tầng một để cố thủ.

Lúc này, địch điều quân ồ ạt tới. Xe tăng địch rồi trực thăng chiến đấu cũng được đem tới để đàn áp nhóm chiến sĩ 8 người. Từ tầng trên, với số đạn dược ít ỏi còn lại, các chiến sĩ đã bẻ gãy hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác của địch. Dần dần, các chiến sĩ phải dồn lên tầng 3 để cố thủ. Đạn dược hết dần cũng là lúc các chiến sĩ biến tất cả những vật dụng trong căn nhà đang xây dang dở ấy trở thành vũ khí trút xuống đầu giặc.

Lại thêm một ngày và 1 đêm trôi qua. Đói, khát và những vết thương do đạn hành hạ nhưng anh em không ai nao lòng. Anh Bảy Rau Muống (tức Lê Tấn Quốc) tình nguyện trở xuống theo dõi tình hình địch và lấy thêm đạn dược. Nhưng anh không trở về. Nhớ lại, chú Nguyễn Đức Hòa bồi hồi: “Trước khi lâm trận, đáng lẽ anh Bảy không tham gia do gia đình anh là nơi chứa vũ khí. Nhưng anh đã tình nguyện đi cùng…”.

Mãi đến sau này khi giải phóng, người ta mới phát hiện một bộ xương trắng cùng cây AK trên tấm ô van phía sau nhà 56 Thủ Khoa Huân. Anh Bảy Rau Muống đã bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh.

Đến trưa hôm sau, 7 người còn lại quyết định rời khỏi căn nhà qua những lỗ đạn do xe tăng địch bắn thủng. Từng người dìu nhau theo đường ống nước di chuyển đến một căn nhà trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Do đói, khát và kiệt sức, đạn dược cũng không còn nên tất cả đã rơi vào tay địch. Lần lượt những năm sau đó, các chiến sĩ tham gia trận đánh Dinh Độc Lập bị đưa ra tòa án binh, bị tuyên án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo…

***

Mỗi năm đến dịp xuân về, ký ức của những chiến sĩ trận đánh Dinh Độc Lập lại ùa về. Với bà Chín Nghĩa, cứ sáng mồng 2 Tết hàng năm, bà lại sửa soạn mâm cúng, khói nhang để tưởng nhớ về những người đồng đội đã mất trong Tết Mậu Thân 1968.

Cũng như vậy, các ông Đực, Luyện... lặng người nhớ lại những “khoảnh khắc chiến tranh” mà họ đã từng trải qua. Còn chú Hòa “độc lập”, anh lính biệt động trẻ nhất năm xưa lại bùi ngùi ao ước có được một tượng đài nho nhỏ ghi lại chiến công và những hy sinh của đồng đội ngay tại Dinh Độc Lập… Vâng, xuân đến cũng là lúc để mọi người nhớ lại và tri ân họ - những người chiến sĩ biệt động anh hùng!

Kết quả trận đánh Dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân 1968: Đội 5 Biệt động Sài Gòn - Gia Định bắn cháy 3 xe Jeep; tiêu diệt và làm bị thương gần 100 lính Mỹ - ngụy. 8 chiến sĩ hy sinh ngay tại chỗ, 7 chiến sĩ bị địch bắt, trong đó có 4 người bị thương. Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (12-1969).

THẠCH THẢO

Tin cùng chuyên mục