Cùng dự có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng...
Các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, nhớ về Hà Tĩnh là nhớ về “tình sâu, nghĩa nặng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh. Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư, điện biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh. Đặc biệt, ngày 15-6-1957, Bác đã về thăm Hà Tĩnh và ngày này trở thành mốc son trong trang sử vàng của tỉnh, là động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn, vững bước trên con đường xây dựng quê hương, đất nước.
Qua chuyến thăm, Bác đã để lại những bài học sâu sắc với Hà Tĩnh về tinh thần đoàn kết, tự tu dưỡng, ý chí vươn lên, giữ gìn truyền thống văn hóa, cố gắng sản xuất, làm tốt nhiệm vụ hậu phương với đồng bào miền Nam…
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh ở TP Hà Tĩnh. Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước.
Chiều 11-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên địa bàn từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh đạt được trong thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2022-2025 đến nay.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh như: quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn để xảy ra sai phạm; trật tự an toàn xã hội một số nơi tiềm ẩn phức tạp...
Để phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Hà Tĩnh phải phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường. Đồng thời phải bám sát tình hình thực tiễn; dựa trên đổi mới, sáng tạo; chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo. Hà Tĩnh cũng phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý tỉnh Hà Tĩnh phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Đồng chí nhấn mạnh, phải xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực...
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê và bãi biển Thạch Hải ở gần mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Tại đây, lãnh đạo địa phương và chủ đầu tư báo cáo về trữ lượng, chất lượng quặng và cấu tạo địa chất khu vực mỏ; quy hoạch, tình hình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê; mối quan hệ liên vùng, liên ngành giữa khai thác mỏ sắt với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các bộ, ngành và chủ đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu để sớm có kết quả chung về các yếu tố liên quan, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Trên cơ sở đó, xem xét kỹ lưỡng các mặt lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường, an sinh xã hội... để đưa ra câu trả lời triển khai, hoặc dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, đảm bảo các điều kiện, phù hợp với tình hình.
Cùng với đó, sớm xử lý dứt điểm những khó khăn, bất cập, tồn tại cho cả địa phương và nhà đầu tư, tháo điểm thắt cho phát triển.