Kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6: Trách nhiệm với lớp trẻ

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, cũng là dịp nhắc nhở toàn xã hội về trách nhiệm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Với những ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm, một số bạn đọc là nhà hoạt động xã hội, nhà giáo đã gửi về Báo SGGP nêu lên những việc cần phải khắc phục trước tình trạng ngày càng nhiều trẻ em vị kỷ, vô cảm, thiếu kỹ năng sống, phải chịu sức ép quá nặng nề về thành tích học tập.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6: Trách nhiệm với lớp trẻ

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, cũng là dịp nhắc nhở toàn xã hội về trách nhiệm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Với những ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm, một số bạn đọc là nhà hoạt động xã hội, nhà giáo đã gửi về Báo SGGP nêu lên những việc cần phải khắc phục trước tình trạng ngày càng nhiều trẻ em vị kỷ, vô cảm, thiếu kỹ năng sống, phải chịu sức ép quá nặng nề về thành tích học tập.

        Chạy theo thành tích, bỏ quên số phận

Gia đình cô tôi ở Đồng Nai có con gái đang học lớp 5. Cô bé bị mắc một chứng bệnh về tâm thần, suy nghĩ rất chậm chạp, tính hay cáu gắt, giận dỗi. Khi ở trường, em không hề mở miệng nói một lời nào, kể cả khi bị bạn chọc ghẹo hay cô giáo gọi đứng dậy phát biểu. 11 tuổi nhưng việc tắm giặt, ăn uống luôn phải có người lớn kèm cặp. Dù đã học lớp 5 nhưng em vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, không biết viết một câu văn đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Điều bất ngờ là năm học nào em cũng được lên lớp, thậm chí còn được nhận cả giấy khen. Thì ra để con mình học hết được bậc tiểu học, cô tôi đã mạnh tay chi rất nhiều khoản “bồi dưỡng” thầy cô; còn nhà trường cũng không muốn có học sinh phải ở lại lớp vì như thế sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của trường. Em họ của tôi có thể qua bậc tiểu học với thành tích học tập ảo, nhưng lên trung học sẽ học sao đây?

Lẽ ra những trường hợp thế này nên cho cháu vào học ở một trường dành cho trẻ em chậm phát triển, trẻ vừa được học vừa được chữa bệnh để có thể phát triển một cách căn cơ. Ai có lỗi trong chuyện này? Cha mẹ, các thầy cô của em và chính ngành giáo dục của chúng ta đang chạy theo những thành tích ảo.

LÊ ĐẶNG
(Thủ Đức, TPHCM)

        Giúp trẻ nhận ra điều hay lẽ phải

Cháu trai con của chị hàng xóm của tôi mới hơn 10 tuổi mà tỏ ra rất sành sỏi, lắm lúc lấc cấc, hỗn hào với cả người lớn. Hầu như ngày nào đi học cháu cũng đánh nhau với bạn. Trước đây, cháu vốn là đứa trẻ rất hiền và ngoan. Sau mấy lần tức vì thấy con mình bị các bạn ăn hiếp, chị Hà dạy: “Bạn đánh con thì con phải đánh lại!”. Sau đó, chị còn khoe với tôi một cách rất hãnh diện: “Bây giờ con trai tôi không đánh bạn thì thôi, chứ chẳng ai dám đụng vào nó. Nó thật là dũng cảm và bản lĩnh!”.

Khen thưởng, động viên kịp thời giúp trẻ thêm niềm tin, nghị lực vươn lên. Ảnh: KHÁNH MINH

Khen thưởng, động viên kịp thời giúp trẻ thêm niềm tin, nghị lực vươn lên. Ảnh: KHÁNH MINH

Tôi không thể tin nổi cái ý nghĩa thiết thực mà một người mẹ lại vô tình gieo trong đầu đứa con của mình như thế. Lớn lên nó sẽ có xu hướng giải quyết mọi công việc bằng bạo lực mà không chú trọng đạo lý. Chị còn làm tôi kinh ngạc thêm khi khuyên: “Đừng nên dạy con thật thà, trung thực biết sao nói vậy, vì như thế chỉ rước họa vào thân mà thôi!”. Sao lại có phụ huynh gieo rắc những điều tiêu cực như vậy vào đầu con trẻ? Mà đâu phải mình chị hàng xóm của tôi, tôi biết cũng có không ít phụ huynh đang dạy con như vậy. Mặc dù xã hội nói chung và nền giáo dục nói riêng vẫn còn nhiều “góc khuất” nhưng hãy để trẻ được lớn lên và phát triển một cách nhân văn, giúp chúng nhận ra những điều phải trái trong cuộc sống. Từ đó, chúng sẽ biết chọn những điều hay lẽ phải để vươn lên.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN
(Giảng viên tâm lý học ĐH Nguyễn Huệ)

        Cho con có thêm niềm tin, nghị lực

Trong số học trò của tôi có một cháu trai bị bệnh từ nhỏ nên không được thông minh, lanh lợi. Vì sức khỏe yếu, cháu phải nghỉ học thường xuyên nên kết quả học tập rất kém, có lúc cháu rất tự ti, rụt rè, kể cả với bạn bè cùng lớp. Thương con, muốn con phát triển nhưng vợ chồng anh Phong - ba mẹ của cháu - không bao giờ o ép con trong việc học tập; luôn tìm cách động viên, khích lệ con mỗi ngày. Thấy con bị điểm kém, anh chị dặn: “Lần sau ôn bài kỹ hơn con nhé!”. Lúc con bị cô giáo la rầy vì khi cô hỏi bài lại cháu không nhớ chữ nào, anh chị an ủi con: “Lần sau con hãy bình tĩnh hơn. Học từ từ, học từng chút một, chắc chắn con sẽ thuộc”. Để tạo niềm tin cho con, mỗi khi cháu được điểm cao, anh chị thường tặng cháu những món quà nho nhỏ. Ngoài ra, anh chị tìm mua những cuốn sách hay viết về những trường hợp học sinh nhà nghèo học giỏi, những tấm gương trẻ khuyết tật vượt khó, những quyển sách về bí quyết học tập, bồi dưỡng tâm hồn dành tặng con, để qua đó động viên con phấn đấu vươn lên. Với sự quan tâm, ân cần động viên từng ngày của cha mẹ, cháu đã dần vượt qua những tự ti, mặc cảm và học tập ngày càng tiến bộ hơn. Cuối năm, đi họp phụ huynh, anh chị mừng rơi nước mắt khi biết con mình đạt học sinh giỏi.

NHẤT HUỲNH
(GV Trường THCS Nguyễn Chí Trai, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long)

        Quan tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ

Nhà trường ngoài việc dạy chữ còn phải dạy học sinh làm người. Đó là yêu cầu của xã hội đặt trọng trách cho nhà trường, góp phần tạo nên nhân cách những công dân tương lai của đất nước. Dạy làm người có nghĩa bao hàm là dạy cho học sinh biết các kỹ năng sống, ứng xử giao tiếp với mọi người, ứng xử hiệu quả với các tình huống trong cuộc sống. Thực tế cho thấy việc dạy kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường vẫn còn khiếm khuyết, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Mấy năm gần đây, việc phổ cập bơi lội cho học sinh đã được nhiều trường phổ thông chú ý. Tuy nhiên, một số nơi vẫn xem nhẹ việc dạy trẻ bơi lội, do vậy số trẻ em bị chết đuối vẫn ngày càng tăng. Thật thương tâm khi có nhiều vụ nhiều trẻ em cùng níu nhau chết đuối. Tai họa này có thể ngăn ngừa, hạn chế được nếu trẻ em nào cũng được dạy kỹ năng bơi lội.

Một điều đau lòng khác là ngày càng có nhiều vụ trẻ em tự tử. Gần đây có 2 vụ tự tử của học sinh THCS, một ở Hà Nội và một ở TPHCM, sự việc và các tình tiết gần giống nhau: Hai em đều là nữ sinh, tuổi 14 - 15, học lực khá giỏi, hạnh kiểm tốt, con ngoan hiền của gia đình và đều chọn cho mình cái chết chỉ vì lý do lỡ làm mất tiền quỹ của lớp. Xem lại các nguyên nhân sau cái chết thương tâm của các em thì thấy: Tuổi các em đang trong giai đoạn chuyển biến về tâm sinh lý, đáng lẽ các em được thầy cô trong nhà trường quan tâm tư vấn tâm lý đúng đắn, giúp nhìn nhận chính xác sự việc, định hướng giải quyết một cách tích cực; động viên tập thể chung quanh giúp bạn tránh bế tắc trong tư tưởng, không ám ảnh bởi suy nghĩ nông cạn, tiêu cực. Thế mới thấy, ngay chính người lớn cũng còn rất nhiều thiếu sót về kỹ năng sống nên chưa làm tròn trách nhiệm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

TRẦN VĂN TÁM
(GV Trường TH Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục