Với những phóng viên từng ra thăm quần đảo Trường Sa thì chuyện say sóng, nằm bẹp và trở thành thành viên của đội “li-vơ-phun” (cách gọi vui dành cho những người bị nôn trên tàu) là nỗi lòng không của riêng ai.
Bí kíp chống... nôn
Trong chuyến công tác thăm Trường Sa năm 2007, nhóm phóng viên nữ được nhà tàu ưu ái xếp cho ở tại căn phòng của thuyền phó. Khi khuân giúp đồ đạc của chúng tôi vào phòng, anh thủy thủ tàu HQ957 còn tiết lộ một tin vui: “Tàu mới sơn lại để tiếp đón các em đấy”.
Không ngờ, chỉ vài giờ sau đó, tin vui của anh lại trở thành “nỗi ám ảnh” của mấy chị em phóng viên. Khi tàu ra tới biển, những cơn sóng đầu tiên ập tới thì ai nấy say sóng nằm lừ đừ. Sóng có lúc lên tới cấp 6, cấp 7. Lúc này, mùi sơn mới trong phòng nhỏ, kín ngộp bỗng trở thành chất xúc tác nôn mửa. Chỉ cần thoáng ngửi thấy mùi sơn là mấy chị em “hò dô ta” liên tục. Cuối cùng, không chịu nổi, tôi và 1 phóng viên Báo Tuổi trẻ đành ôm võng ra tạm cư trên boong tàu. Tôi khám phá ra một bí quyết: Chỉ cần không ngửi thấy mùi sơn là sẽ ít bị ói.
Suốt 3 đêm đầu trên tàu, tôi ngủ vắt vẻo trên võng móc ở boong tàu, không dám bén mảng về phòng. Cũng nhờ vậy mà tôi có dịp được ngắm sao trời, ngắm biển đêm trong cái lạnh đặc trưng của biển. Chỉ khổ cho mấy anh hải quân, hễ đến đêm lại phải đi tuần quanh tàu, nhắc nhở chị em mắc võng vào chỗ khuất, sợ đêm ngủ say, biển nổi sóng to trùm lên boong tàu rồi bị cuốn xuống biển lúc nào chẳng biết.
Cũng vì say sóng nên hầu như chẳng ai dám ăn uống nhiều trên tàu. Đến bữa, cá thịt dọn đầy bàn mà ít ai động đũa. Những ngày say sóng, thực đơn của tôi chỉ gồm cơm trắng và thịt chà bông đem theo. Đến hôm lên tác nghiệp ở đảo chìm Đá Lát, phơi nắng suốt buổi khiến đột nhiên tôi đói đến hoa cả mắt. Lúc đó chỉ ước gì được ăn một tô mì gói.
Sau khi phỏng vấn xong, suýt nữa tôi đã không cầm lòng được mà mở miệng… xin thức ăn. Nhưng tôi lại nghĩ: Anh em trên đảo chìm cuộc sống đã khó khăn thiếu thốn. Mình từ TPHCM ra thăm, không cho các anh được cái gì thì thôi, ai lại xin thức ăn của lính đảo. Vậy là đành nhịn đói.
“Bắt cóc” chiến sĩ
Mỗi khi tàu từ đất liền ra thăm đảo, niềm mong mỏi của các chiến sĩ trên đảo là được giao lưu với đoàn TPHCM, được nghe văn công, nghệ sĩ hát. Nhưng do thời gian lưu lại mỗi đảo quá ít, để có đủ chất liệu cho bài viết, phóng viên chúng tôi thường phải tranh thủ “bắt cóc” vài chiến sĩ ra phỏng vấn, nhờ các anh dẫn đi thăm đảo, xộc vào phòng các anh xem thư nhà gửi ra.
Khi đáp ứng hết yêu cầu của phóng viên thì nhiều khi chương trình giao lưu đã kết thúc. Sau này nghĩ lại, chúng tôi vẫn thầm cảm ơn những nhân vật của mình - những người đã “hy sinh vì sự nghiệp báo chí”. Nhờ những thông tin của các anh, nhân dân trong đất liền có dịp hiểu thêm cuộc sống và nỗi vất vả nơi đảo xa.
Những bài viết về Trường Sa của phóng viên thường được minh họa bằng những bức ảnh rất giàu chất thơ như cảnh anh lính hải quân ôm đàn ghi-ta hát, cảnh các anh đem thư nhà ra xem hay quây quần bên nhau xem chung một tờ báo được gửi ra từ đất liền.
Cũng do thời gian ghé thăm mỗi đảo quá ngắn nên hầu như những bức ảnh như thế đều là kết quả của sự… “chuẩn bị” công phu! Lần ghé thăm đảo Tốc Tan, chúng tôi đã nài nỉ được một chiến sĩ trẻ người Thái Bình ôm đàn ghi-ta đứng hát trước biển để chụp ảnh. Anh này vừa đứng làm mẫu chụp ảnh vừa băn khoăn: “Tụi em thường chỉ đàn hát buổi tối. Giờ này là giờ huấn luyện, chụp thế này em sợ sai nguyên tắc”. Chúng tôi đành động viên: “Bình thường vẫn có đàn hát mà, cho nên như thế không phải là không chính xác. Đợi đến tối đoàn lại đi mất rồi, làm sao mà chụp được (!)”.
MAI HƯƠNG