Ký ức 71 năm trước trên quê hương Hóc Môn - Bà Điểm, Sài Gòn

TRƯƠNG THÀNH HỶ
Ký ức 71 năm trước trên quê hương Hóc Môn - Bà Điểm, Sài Gòn

Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2-9

71 năm trước, lúc đó dù chưa đầy 20 tuổi, song ông Trương Thành Hỷ (Hai Hỷ) đã được tổ chức Thanh niên Tiền phong quận Hóc Môn giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, kể cả cầm lá cờ đỏ sao vàng đi đầu trong đoàn hàng vạn người biểu tình tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn. Năm nay đã vào tuổi 93, nhưng ký ức về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn và ngay trên quê hương Hóc Môn - Bà Điểm vẫn được ông Hai Hỷ nhớ như in…

“Độc lập hay là chết”

Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do của người dân Hóc Môn - Bà Điểm càng sôi sục, chỉ cần nghe đi biểu tình, đi cướp chính quyền là không ai bảo ai, già trẻ, gái trai náo nức tập võ, rèn giáo mác, chuẩn bị lực lượng. Lúc này, theo lời kể của ông Hai Hỷ, phần đông thanh niên, học sinh ở Hóc Môn đã tham gia vào Mặt trận Việt Minh, người nào việc nấy, nhỏ thì làm giao liên, phụ nữ tham gia hậu cần, tiếp tế lương thực, thanh niên sẵn sàng tham gia võ trang, làm trinh thám dò la tình hình…. Lực lượng quan trọng này sau trở thành nòng cốt trong phong trào Thanh niên Cứu quốc, nhất tề đứng lên cướp chính quyền khi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra ở Sài Gòn.

Tiêu diệt địch trong lô cốt ở Sài Gòn

   
 
Ký ức 71 năm trước trên quê hương Hóc Môn - Bà Điểm, Sài Gòn ảnh 2
Vùng đất Hóc Môn - Bà Điểm - 18 Thôn Vườn Trầu với truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của ông cha, với lòng kiên trung, bất khuất, anh dũng đấu tranh đã đứng lên lật đổ ách thống trị thực dân và bọn tay sai, phong kiến, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Gia Định và Sài Gòn thắng lợi trọn vẹn

TRƯƠNG THÀNH HỶ
(Cán bộ lão thành cách mạng huyện Hóc Môn)

 

Theo ông Hai Hỷ, khi cuộc Cách mạng Tháng Tám nổ ra ngày 19-8 ở Hà Nội, thì ngay sau đó, từ ngày 22, 23-8 trở đi ở Sài Gòn cũng đã sục sôi. Ngày đó, quận Hóc Môn lên tới Bến Dược, Củ Chi bây giờ và phong trào đấu tranh của anh em trên đó cũng đã được tổ chức chặt chẽ theo từng khu, từng cánh quân, chờ có lệnh là kéo về Hóc Môn. Ông Hai Hỷ nhớ lại: “Từ chiều 24-8, tôi được ông cậu kéo đi tham gia biểu tình. Lúc này, khắp các cánh quân từ trên Bến Dược, An Nhơn Tây, Củ Chi… đã kéo về quận Hóc Môn tập trung, nghỉ ngơi, chờ lệnh của trên. Từng đoàn biểu tình thành lập ra các tổ bảo vệ thành từng đoàn sẵn sàng, rất vui vẻ, nghe chuẩn bị biểu tình là hào hứng, sôi nổi lắm. Lúc đó, tôi được đoàn biểu tình Hóc Môn phân công cầm cờ đi từ Hóc Môn xuống tới Sài Gòn. Cậu tôi là Trương Văn Thâu phụ trách trưởng đoàn biểu tình Hóc Môn. Từ đêm 24 rạng sáng 25-8, đoàn người từ Hóc Môn bắt đầu kéo đi với một rừng cờ, khẩu hiệu “Độc lập hay là chết”… Tới bót Nguyễn Văn Cự (ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân bây giờ), đồng chí Năm Quắng thấy cờ vàng sao đỏ, liền trèo lên bót hạ cờ đó xuống, đưa cờ đỏ sao vàng lên. Bắt đầu có nổ súng, đoàn người vẫn giữ chặt, không ai rời vị trí. Lúc đó tôi vô tới bót thì bị kẹt trong đó không ra đươc. Có lệnh đoàn người phải trở lại để cứu tôi và một số anh em bị bắt, thế là có nổ súng và ông cậu tôi hy sinh tại đó. Tôi cũng bị bắt, bị còng tay với một vài anh em nữa. Thấy ông cậu tôi bị chết kéo đi, tôi không sợ gì nữa, cứ cố lao lên, bị một thằng Tây cầm súng bắn nhưng chỉ bị thương ngay mặt, tôi ngã xuống. Nằm mãi tới 4 giờ chiều, đồng chí Dương Bạch Mai vào tới bót Nguyễn Văn Cự, thay mặt chính quyền đòi thả chúng tôi ra. Đoàn biểu tình của Hóc Môn bữa đó hy sinh 5 người. Đám tang của anh em sau đó kéo dài tới 3 ngày, để các đoàn thể tới thăm viếng. Bữa đi chôn 5 đồng chí này, đoàn người từ đầu chỗ Tân Thới Nhì, giáp Xuân Thới Sơn kéo dài tới cuối chợ Hóc Môn bây giờ…”.

Cũng theo ông Hai Hỷ, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, tại Hóc Môn đã thành lập các đoàn thể cách mạng: Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc. Ngoài ra còn có hai phong trào Thanh niên Tiền phong, nhưng phần lớn là đi theo Thanh niên Cứu quốc. Hóc Môn cũng là địa phương đầu tiên của Nam kỳ lúc bấy giờ thành lập lực lượng vũ trang và được chia thành 5 cánh, hay còn gọi là 5 khu do một số đồng chí được phân công phụ trách như: Khu 1, đồng chí Huỳnh Tấn Chùa; khu 2 đồng chí Tô Ký; khu 3 là đồng chí Cao Đức Luốt; khu 4 là của Lý Hoa Vinh của Thanh niên Tiền phong; khu 5 ở tuốt trên An Nhơn Tây, do anh Phạm Khải (3 Ca) phụ trách. Hồi đó còn đường xe lửa Hóc Môn - Sài Gòn chạy qua, anh em thiết lập đường dây liên lạc, đầu Sài Gòn có đồng chí Triệu hàng ngày chuyển thông tin tài liệu về Hóc Môn, rồi từ Hóc Môn lại thông báo tình hình về dưới Sài Gòn để lực lượng ta phối hợp với nhau, quyết không cho địch đưa quân về Hóc Môn đàn áp phong trào.

Chính quyền về tay Việt Minh

Cuộc nổi dậy của nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trong những ngày tháng 8 lịch sử đã ghi dấu với thắng lợi ở khắp nơi, chính quyền đã thuộc về nhân dân. Ông Hai Hỷ nhớ lại: “Chiều 26-8, Quận ủy Hóc Môn cử một phái đoàn gồm các đồng chí Lê Văn Phiên, Nguyễn Văn Thức, Lê Phẩm Thinh và một số đồng chí khác vào dinh quận Hóc Môn đòi Quận trưởng Huân giao lại chính quyền. Ông này biết không thể làm gì khác được, chấp nhận bàn giao chính quyền gồm sổ sách, hồ sơ, doanh trại cùng một trung đội lính khố xanh với đầy đủ súng đạn… Ngay chiều hôm đó, nhân dân khắp vùng Hóc Môn - Bà Điểm - 18 Thôn Vườn Trầu sung sướng tự hào nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay tung trước dinh quận Hóc Môn. Ủy ban Hành chính lâm thời do đồng chí Lê Phẩm Thinh làm Chủ tịch ra mắt nhân dân Hóc Môn. Sang đến ngày 27, 28-8, các làng còn lại của Hóc Môn và Tây Bắc Gò Vấp đều giành được chính quyền và thành lập các Ủy ban Hành chính lâm thời, lãnh đạo nhân dân giữ chính quyền, tiếp tục làm nên một cuộc cách mạng vang dội của ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945”.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục