Mặc dù đã có kế hoạch đầu tư hơn 800 tỷ đồng để triển khai dự án trồng và sản xuất rau an toàn cho Hà Nội, nhưng đến nay sau 5 năm rau an toàn vẫn chỉ là giấc mơ của người tiêu dùng.
Cung không gặp cầu
Hà Nội cùng với một số địa phương khác đã được chọn làm thí điểm để xây dựng dự án rau an toàn nhằm mang lại nguồn cung ứng thực phẩm sạch cho người dân. Theo đó, từ năm 2009, Hà Nội đã xây dựng đề án rau an toàn cho giai đoạn 2009 - 2016 với kinh phí hơn 800 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, một nghịch lý đang xảy ra là người dân vẫn không thể tiếp cận được rau an toàn còn người trồng rau an toàn thì lại không bán được. Dự án rau an toàn cứ loay hoay dậm chân tại chỗ.
Mặc dù phải chi tiền tỷ nhưng hiện tại, nông dân Hà Nội vẫn chủ yếu phải duy trì mô hình sản xuất rau thông thường.
Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của toàn Hà Nội lại lên tới 2.600 tấn/ngày, với diện tích canh tác 12.000ha rau như hiện nay, Hà Nội mới chỉ tự cung ứng được 60% nhu cầu tiêu thụ rau xanh hàng này, còn lại 40% phải nhập về từ các địa phương lân cận, như: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình… Ngoài ra, còn khoảng 200 tấn rau, củ Trung Quốc đưa về các chợ đầu mối, như: Đền Lừ, Long Biên. Còn về sản lượng trái cây, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng chỉ mới tự cung cấp được 18%, còn lại phải nhập từ các vùng miền và hoa quả từ Trung Quốc. Theo số liệu thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT cũng khẳng định mỗi ngày có khoảng 400 tấn rau củ từ các tỉnh được đưa về tiêu thụ tại 6 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội. Song, các loại rau củ tiêu thụ tại đây đều không được kiểm soát về an toàn thực phẩm cũng như nguồn gốc, xuất xứ.
Tiếp tục chi tiền cho rau toàn toàn
Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng đáng báo động, việc sản xuất rau an toàn đang là nhu cầu cấp thiết để đáp ứng nhiều người tiêu dùng. Vậy nhưng dự án sản xuất rau an toàn lại như đi vào ngõ cụt. Nguyên nhân vì không thể giám sát được nguồn sản phẩm, bản thân cơ quan chức năng cũng không thể phân biệt đâu là rau thuộc dự án an toàn và không an toàn. Việc triển khai rau an toàn trên địa bàn Hà Nội chủ yếu manh mún, do hộ cá thể tự chủ là chính. Trong khi đó, số lượng hộ nông dân sản xuất rau rất lớn - khoảng 180.000 hộ nên càng khó khăn quản lý, giám sát nguồn hàng.
Nguyên nhân cơ bản là do chính sách tiêu thụ còn vướng mắc nên người tiêu dùng không có niềm tin vào sản phẩm, còn người sản xuất thì không chứng minh được sản phẩm của mình là “an toàn”. Kênh tiêu thụ chính chủ yếu vẫn qua thương lái, mua bán tự do nên sức lan tỏa và tỷ trọng tiêu thụ rau an toàn rất thấp. Ngoài ra, cần phải kể đến tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, một số cơ sở lợi dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh rau an toàn để làm ăn chộp giật nên lòng tin của người tiêu dùng ngày càng giảm sút. Trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế, tiêu tụ sản phẩm thuộc rau an toàn gần như không thu hút được doanh nghiệp tham gia. Vì lẽ đó, đã có không ít khu quy hoạch thuộc dự án rau an toàn “chết yểu”, nông dân tham gia trồng rau nhưng sau đó không bán được, càng duy trì càng gánh chi phí cao, lại phải bỏ cuộc.
Tuy nhiên hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước vẫn quyết tâm theo đuổi dự án rau an toàn. Bằng chứng là Bộ NN-PTNT vừa xây dựng Đề án chuỗi cung cấp rau an toàn cho Hà Nội giai đoạn 2015-2020 với kinh phí dự kiến lên tới 950 tỷ đồng. Mục tiêu đưa ra đến năm 2020 sẽ đáp ứng trên 80% nhu cầu tiêu dùng rau an toàn. Đại diện Bộ NN-PTNT cũng khẳng định để khắc phục những tồn tại như hiện nay thì sẽ chuyển hướng trong khâu tiêu thụ bằng việc đảm bảo 80% sản lượng của rau an toàn được tiêu thụ thông qua doanh nghiệp. Giải pháp để giúp người tiêu dùng phân biệt được rau an toàn là sẽ bắt buộc phải dán tem để nhận diện “rau an toàn”, có mã số để tra cứu và truy xuất nguồn gốc khi có sự cố. Để tránh tình trạng trà trộn, trá hình như hiện nay, sẽ quy định bắt buộc các cơ sở được cấp giấy chứng nhận kinh doanh thuộc rau an toàn phải bán 100% rau, củ an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
|
VĂN PHÚC