Quản lý kinh doanh xăng dầu

Lại nghĩ về câu hỏi “dối dân, tội gì?”

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của nền kinh tế. Mỗi động thái lên, xuống giá xăng dầu đều tác động trực tiếp và gián tiếp đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, đến đời sống xã hội của người dân và phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Có lẽ chính vì thế, đã nhiều năm rồi, ngành xăng dầu được nhà nước ưu ái hết mức. Từ việc quyết định lượng hàng nhập khẩu, thương thuyết giá mua với nước ngoài, quyết định giá bán sỉ, bán lẻ trong nước, đến độc quyền các khâu phân phối, tiêu thụ. Trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập WTO và kể cả đến khi đất nước đã bước vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh việc các lĩnh vực, ngành hàng kinh tế khác phải nghiêm chỉnh thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước mở cửa, cạnh tranh thị trường, thì ngành xăng dầu vẫn được điều chỉnh giá bán trong một khung dao động nhất định, chưa phải thực hiện theo cơ chế thị trường hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, lại còn được nhà nước bù lỗ mỗi năm lên tới 10.000 tỷ đồng. Điều đó, đồng nghĩa với việc nhà nước đánh giá đúng tầm quan trọng của việc quản lý chặt chẽ ngành hàng chiến lược này để ổn định sự phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trong ngành xăng dầu như thế nào, lời hay lỗ, đảm bảo lợi ích của đất nước hay xảy ra thất thoát, tham nhũng, tiêu cực đang là câu hỏi bức xúc của người dân. Điều làm người dân thắc mắc là, với một ngành hàng cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế như vậy, từ trước đến nay nhà nước lại chưa tiến hành một cuộc kiểm toán đúng nghĩa nào để đánh giá chất lượng quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều kỳ lạ lặp đi lặp lại là mỗi lần đề xuất tăng giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại luôn luôn kêu lỗ và thực chất cũng chỉ có thông tin một chiều từ phía doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những thông tin không mấy tốt đẹp lọt khe từ trong nội bộ ngành như đàm phán nhập khẩu có hoa hồng (tính bằng USD), trên mỗi tấn hàng; thất thoát, hao hụt ngoài định mức trên đường vận chuyển; chuyện móc ngoặc giữa chủ hàng-tổng công ty với đơn vị vận tải (cũng ở trong ngành), với giám định, hải quan, giữa các tổng kho và tàu, sà lan… là những nguyên nhân để xảy ra hao hụt về khối lượng, xuống cấp về chất lượng xăng dầu nhập khẩu và một phần nào đó tác động vào giá bán lẻ trên thị trường. Nhiều việc đã không được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, làm rõ. Nếu người dân đặt ra câu hỏi nghi vấn thì hãy coi chừng?! Vì có thể sẽ bị hỏi ngược lại: bằng chứng đâu?

Còn nhớ, đã có vài lần dư luận ồn lên về chất lượng xăng - A83, A92, ngay lập tức có sự giải thích lòng vòng của cơ quan quản lý chất lượng, rồi đâu lại vẫn vào đó. Người tiêu dùng tiếp tục gánh chịu thiệt hại.

Mới đây, Chính phủ vừa đưa ra lộ trình mở cửa thị trường xăng dầu từng bước thận trọng và chặt chẽ. Đó là điều hết sức cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, giữ ổn định sự phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, quản lý chặt và định hướng thị trường kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo lợi ích của đất nước, của cộng đồng xã hội nhưng không đồng nghĩa với việc duy trì sự thao túng độc quyền của một nhóm lợi ích nào đó.

Hoàng Phúc

Tin cùng chuyên mục