Trên địa bàn TPHCM, trong khi hàng loạt công trình ngầm hóa lưới điện đang được thực hiện dọc các tuyến đường lớn, những ngày gần đây các công trình đào đường đặt ống cấp nước cũng triển khai đồng loạt trong các hẻm hoặc các tuyến đường nhỏ. Nhiều bạn đọc tại các quận Bình Thạnh và Phú Nhuận đã bức xúc phản ánh với Báo SGGP về tình trạng bừa bộn, ngổn ngang khi thi công những công trình này tại địa bàn.
- Không đảm bảo đúng quy trình thi công
Đường Tăng Bạt Hổ (phường 11, quận Bình Thạnh) là con đường nhỏ, chiều ngang khoảng 4m. Cả tuần nay, con đường bị đào lên để đặt ống cấp nước. Bà bán thuốc lá trước nhà số 67 Tăng Bạt Hổ ngao ngán: “Con đường đã bị đào lên cả tuần mà chưa thấy tái lập mặt đường. Nghe đâu còn phải chờ lún thì họ mới làm”. Chỉ đống đất đá cạnh xe thuốc lá, bà nói: “Bây giờ là đỡ lắm rồi, mấy hôm trước đống đất đá này cao ngất, họ dọn bớt, vẫn còn chừng này”.
Sáng 8-11, vào hẻm số 334 đường Lê Quang Định, nơi công trình đặt đường ống cấp nước vừa đào thi công, chúng tôi chứng kiến cảnh chiếc xe tải biển số 51Y-9111 lọt thỏm bánh trước xuống làn phui đào trước nhà số 334/16. Do đây là điểm đấu nối giữa đường ống chính vào nhà dân, đang còn chờ thi công tiếp, nên chỉ được đậy sơ sài bằng một tấm ván. Tài xế và lơ xe hì hục mang con đội nâng bánh xe lên nhưng không được. Một phụ nữ là cư dân trong hẻm chỉ tay vào đoạn làn phui phía trước, kể: “Hôm trước cũng có một chiếc taxi vào đây rồi cũng bị lọt bánh như vậy. Trong con hẻm này cũng còn hai điểm đang đặt ống chờ đấu nối nhưng không hề có hàng rào che chắn hay biển báo gì cả”.
Chúng tôi đến hẻm 207 đường Nguyễn Văn Đậu, cũng thấy đang đào đường ngổn ngang. 4 công nhân đang hì hục đào và chuyển đất lên 2 chiếc xe tải, mặt đường khoảng 4m bị choán chỗ gần hết, chỉ còn đủ cho một xe máy lách qua. Một người dân ngụ ở cuối hẻm cho biết: “Họ đào mấy bữa nay rồi, toàn thi công ban ngày, khiến việc đi lại rất khó khăn”.
Qua các con đường Thích Quảng Đức, Nguyễn Văn Đậu, Lam Sơn, Hoàng Hoa Thám… cũng đều thấy cảnh đào bới. Điều đáng nói là tại nhiều nơi, đơn vị thi công cứ để ngổn ngang đất đá, đào và chuyển xà bần vào ban ngày, không có rào chắn, biển báo, nhiều nơi cả tuần vẫn chưa tái lập. Ngay điểm rẽ từ đường Lam Sơn qua hẻm 29 Hoàng Hoa Thám (phường 6, Bình Thạnh), một đống đất to chắn ngay giữa đường, xe cộ không thể qua lại. Qua đường dây nóng Báo SGGP, một bạn đọc ở đây phản ánh, cách nay 4 ngày, đội thi công đào ngay đoạn đầu hẻm và chuyển xà bần vào ban ngày nên không còn lối cho cư dân trong hẻm ra vào.
- Tăng cường kiểm tra
Thời gian qua, việc thi công đào đường tắc trách gây ùn tắc giao thông và phiền hà cuộc sống cư dân đã bị dư luận phê phán mạnh mẽ. Cơ quan quản lý cũng đã xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm.
Sở GTVT TPHCM vừa yêu cầu thanh tra sở đình chỉ thi công dự án lắp đặt đường ống cấp nước trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) do Công ty TNHH Đạt Đức thi công, do công ty này đã nhiều lần vi phạm trong việc đào, tái lập mặt đường, gây mất an toàn giao thông, bị lập biên bản đến 3 lần nhưng vẫn tái phạm.
Qua kiểm tra việc tái lập mặt đường các dự án cấp nước trên đường Phùng Hưng, Hồng Bàng (quận 5), Sở GTVT TPHCM cũng đã yêu cầu đơn vị chủ đầu tư là Sawaco khẩn trương khắc phục các trường hợp tái lập mặt đường và vỉa hè không bằng phẳng, gây lún cục bộ hoặc không thu dọn vật tư ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.
Tuy nhiên, những biểu hiện tắc trách trong việc thi công các công trình đào đường đặt ống cấp nước tại Phú Nhuận và Bình Thạnh chưa được kiểm tra, chấn chỉnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Phó ban Quản lý dự án (thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định), phân trần: “Công ty đang triển khai 4 gói dự án đào đường đặt ống cấp nước trên nhiều tuyến hẻm. Chuyện đất đá sau thi công chưa thu dọn kịp cũng có xảy ra. Có nơi đào đêm, có nơi đào ngày nhưng dù đêm hay ngày cũng phải thu dọn xà bần ngay. Nếu thuận lợi, không bị vướng hạ tầng ngầm, sáng hôm sau sẽ trả lại mặt bằng; còn nếu bị vướng sẽ phải chờ hôm sau mới có xe thu dọn xà bần, vì xe tải chỉ được lưu thông vào nội thành từ 22 giờ đến 4 giờ sáng”. Thế nhưng thực tế không như ông Khoa nói, người dân phản ánh đa số các điểm thi công đều đào và vận chuyển xà bần vào ban ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa cũng khẳng định: “Nếu không bị vướng, việc tái lập và trả mặt đường sẽ thực hiện trong 2 ngày. Nơi nào có vấn đề, chúng tôi sẽ kiểm tra, dứt khoát không làm ảnh hưởng đến cộng đồng”. Thực tế tại nhiều con hẻm sau khi đào đường đặt ống cấp nước cả tuần, đơn vị thi công vẫn chưa tái lập nhựa hay bê tông để trả lại mặt bằng cho dân đi lại. Khi chúng tôi đề nghị cung cấp tên các nhà thầu đang thi công tại các tuyến hẻm, ông Khoa đã từ chối cung cấp.
THƯ LÊ