Thực trạng người điều khiển phương tiện giao thông ở nước ta sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép (hay còn gọi là “vi phạm quy định về nồng độ cồn”) từ lâu đã được xem là một trong những vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm.
Hiện trường một vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế điều khiển xe 7 chỗ ngồi trong tình trạng “say xỉn”.
Mặc dù Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Công an đã thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng mở các đợt chuyên đề về tuyên truyền, xử lý những hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, cùng với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng để liên tục nhắc nhở, cảnh báo và đề cập đến những tác hại do việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông…
Tuy nhiên, với những thói quen và sở thích của mình, cùng với suy nghĩ chủ quan nên nhiều người vẫn bỏ qua tất cả, họ bất chấp quy định của pháp luật và tỏ ra xem thường tính mạng của bản thân và những người xung quanh… Tất nhiên, hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia là hàng loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra khi người điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng “vi phạm quy định về nồng độ cồn”. Nhẹ thì xay xát, nặng hơn thì “bán thân bất toại”, chấn thương sọ não hoặc tử vong, thiệt hại to lớn về cả tinh thần lẫn vật chất đôi khi không chỉ những “ma men” gánh chịu mà gánh nặng đó còn dai dẳng đè lên vai người thân, cha mẹ, vợ chồng, con cái và xã hội…
Theo một nghiên cứu về ảnh hưởng của việc sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông, ngoài những tác hại và hậu quả như đã đề cập trên, người đã sử dụng rượu, bia còn có những biểu hiện rất nghiêm trọng như: dễ bị kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm như: vi phạm về tốc độ, lạng lách, đua xe, không chấp hành đèn tín hiệu, không đi đúng phần đường làn đường, bất ngờ chuyển hướng hoặc có hành vi gây rối trật tự công cộng…
Người có nồng độ cồn trong máu và hơi thở cao còn làm ức chế thần kinh dễ gây buồn ngủ, hôn mê, ảo giác; giảm khả năng nhận biết, phán đoán các tình huống nguy hiểm, giảm kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, tâm lý coi thường sự nguy hiểm và làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia nếu không may để xảy ra tai nạn giao thông còn gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp y tế do mất máu nhiều, nồng độ cồn trong máu cao làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.
Để chấm dứt “vấn nạn” sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép gây ra những tai nạn thương tâm không đáng có, trước tiên mỗi người dân cần nhận thức rõ về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia để sống có tránh nhiệm hơn với bản thân và những người xung quanh, nên hình thành thói quen “không điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia”. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn trong công tác tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn một cách thường xuyên và thậm chí nên xây dựng chế tài mạnh hơn để răn đe, góp phần giảm tỷ lệ TNGT và hậu quả do TNGT gây ra.
* Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định cấm các hành vi: - Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. - Điều khiển mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. * Nghị định 171/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn như sau: 1. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ - Điểm b Khoản 5 Điều 5: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7, Điểm a Khoản 8 điều này. - Điểm b Khoản 7 Điều 5: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. - Điểm a Khoản 8 Điều 5: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện các hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 5 bị tước giấy phép lái xe 1 tháng; thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 8 Điều 5 bị tước giấy phép lái xe 2 tháng. 2. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ - Điểm b Khoản 5 Điều 6: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. - Điểm e Khoản 6 Điều 6: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện các hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 6 bị tước giấy phép lái xe 1 tháng; thực hiện hành vi quy định tại Điểm e Khoản 6 Điều 6 bị tước giấy phép lái xe 2 tháng. Đặc biệt, đối với những trường hợp người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Điểm b Khoản 6 Điều 6). Mặt khác, nếu người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng, tùy theo tính chất mức độ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
THANH LIÊM