Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM, hoạt động của tội phạm cướp giật trên đường phố có biểu hiện liều lĩnh, manh động, đe dọa an toàn tính mạng của người dân. Trung tá Nguyễn Lê Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TPHCM, đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm và hướng dẫn người dân về việc chủ động phòng ngừa cướp giật.
- Phóng viên: Thưa ông, người dân có thể nhận diện được bọn cướp giật trên đường phố qua những biểu hiện nào?
>> Trung tá NGUYỄN LÊ HÙNG: Đối tượng cướp giật thường đi chung trên xe máy phân khối lớn đôn dên, xoáy nòng… chạy rảo quanh các tuyến đường để tìm người chạy xe máy có mang tài sản và đeo bám. Đợi đến địa điểm thuận lợi (như nơi vắng người, có đường quẹo thuận tiện cho việc tẩu thoát), tên điều khiển xe sẽ tăng tốc độ áp sát xe nạn nhân để tên ngồi sau giật tài sản rồi bỏ chạy. Gần đây cũng có nhiều vụ bọn tội phạm đi mỗi tên một xe để phối hợp thực hiện hành vi xâm hại tài sản người đi đường và truy cản khi có người đi đường can thiệp. Cũng có trường hợp các đối tượng đóng giả người chạy xe ôm hoặc đang chờ người quen đứng ở ngã ba, ngã tư, đầu đường; khi phát hiện người đi đường có mang tài sản, chúng sẽ bám theo đến đoạn đường thuận lợi thì gây án. Có vụ tội phạm mặc giả đồng phục của tài xế taxi, nhân viên bảo vệ để người đi đường không cảnh giác và ra tay cướp giật tài sản khi nạn nhân sơ hở.
- Ông có thể cho biết những thủ đoạn của bọn tội phạm để người dân cảnh giác?
Có thể nêu ra một số thủ đoạn thường thấy của bọn tội phạm như sau: Lợi dụng sơ hở của người đi đường (thường là phụ nữ đi một mình) có mang theo tài sản có giá trị (dây chuyền, bông tai, laptop…) hoặc đang sử dụng điện thoại di động, bọn chúng tiếp cận và ra tay cướp giật; lợi dụng đêm khuya, khu vực ít người qua lại, chúng chặn đầu xe người đi đường để cướp tài sản; bám theo những người vừa rút tiền tại các ngân hàng với khoảng cách từ 10 - 20m, khi đến địa điểm thuận lợi, chúng tăng tốc độ kè sát, nhanh chóng giật túi đựng tiền rồi tẩu thoát. Có trường hợp bọn chúng bám theo người đi taxi, chờ khi vừa xuống xe thì chúng bất ngờ ra tay. Nếu bị truy đuổi, đồng bọn chạy ở phía sau sẽ cản địa gây khó khăn cho người truy bắt hoặc giả vờ hỏi han nạn nhân nhằm kéo dài thời gian và làm mất tập trung của nạn nhân trong việc tri hô người đi đường hỗ trợ. Gần đây, có băng nhóm tội phạm từ 8 - 10 tên (có cả nữ) thường dàn cảnh một vụ đụng xe (va quẹt giao thông) nhằm làm cho nạn nhân mất cảnh giác để đồng bọn phía sau móc túi, cướp giật túi xách rồi tẩu thoát.
- Như vậy người dân phải làm gì để chủ động phòng tránh nguy cơ bị cướp giật?
Với trách nhiệm được giao, lực lượng công an các cấp đã tiến hành những biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự, trong đó có tội phạm cướp giật. Thực hiện kế hoạch “Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản đường phố và nơi công cộng”, chỉ riêng trong ngày 5-12-2012, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Công an TPHCM đã bắt quả tang 5 vụ xâm hại tài sản người dân, bắt giữ 8 đối tượng có hành vi trộm cắp, cướp giật và tàng trữ, sử dụng chất ma túy. Trong đó, có 3 đối tượng phạm tội cướp giật tài sản là Ngô Quang Hồng, Huỳnh Minh Tạo (đều 28 tuổi) và Quách Chí Phú (20 tuổi). Cả 3 đều có nhiều tiền án, tiền sự về hành vi cướp giật và đều nghiện ma túy. Riêng Phú còn là đối tượng bị truy nã (liên quan trong băng nhóm cướp giật tài sản mà Cảnh sát hình sự đã triệt phá trước đây) và trong thời gian trốn tránh, Phú vẫn tiếp tục cướp giật trên đường phố. Qua đó cho thấy hiện nay đối tượng cướp giật thường nghiện ma túy hoặc ma túy dạng đá gây ảo giác, nên rất manh động và liều lĩnh.
Do vậy, về phía người dân, không nên dừng, đậu xe nơi vắng, tối, không có ánh sáng; nếu phải đi qua những khu vực như vậy nên đi từ 2 người trở lên. Khi đi trên đường, nếu phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn như nhìn ngó, chạy kè theo xe mình, thì chạy chậm sát vào lề đường hoặc tấp xe vào nơi an toàn có đông người. Không sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện giao thông trên đường, vì vừa làm mồi cho bọn tội phạm vừa vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trường hợp cần sử dụng điện thoại di động thì đậu xe trên lề đường và quan sát những người xung quanh. Khi rút tiền từ các ngân hàng và ATM nên có người đi cùng và chú ý quan sát, cảnh giác khi rời khỏi các địa điểm này. Khi bị cướp giật, nên tri hô để những người chung quanh hỗ trợ, đồng thời cố gắng ghi nhớ nhận dạng của đối tượng, loại xe, biển số xe và đến ngay cơ quan công an gần nhất để trình báo vụ việc…
Hoàng Trọng Khôi