Làm gì để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?

Xử lý nghiêm hành vi xâm hại sức khỏe người tiêu dùng
Làm gì để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?

LTS: Trong thời gian gần đây đã diễn ra tràn lan tình trạng kinh doanh thực phẩm là gia súc, gia cầm và rau quả có chứa chất độc hại bị ngăn cấm hoặc chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến yêu cầu xử lý và có giải pháp căn cơ chấn chỉnh việc này.

Gia cầm sống chưa qua kiểm dịch được bày bán trên cầu Chợ Cầu, quận 12, TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm

Gia cầm sống chưa qua kiểm dịch được bày bán trên cầu Chợ Cầu, quận 12, TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm

Xử lý nghiêm hành vi xâm hại sức khỏe người tiêu dùng

Người tiêu dùng đang hết sức lo lắng khi các cơ quan chức năng phát hiện thịt heo siêu nạc có chứa nhóm chất bị cấm trong chăn nuôi là Beta Agonists. Tiếp đó, lại thêm một thông tin đáng lo ngại: Đội Cảnh sát giao thông và Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện trên 3 tấn thịt gia súc, gia cầm đã bốc mùi hôi thối nồng nặc, trong đó có nhiều bịch thịt gia cầm ghi rõ nơi được cung cấp là các trường tiểu học để nấu ăn cho học sinh. Qua đó cho thấy tình trạng buôn bán thực phẩm có chứa nhiều chất độc hại, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh đã đến mức báo động. Nếu hàng tấn thịt gia súc, gia cầm vô cùng độc hại, nguy hiểm này không được kiểm tra, phát hiện, lẽ đương nhiên sẽ được đưa vào các cơ sở chế biến thực phẩm, hàng quán kinh doanh ăn uống, các xí nghiệp, trường học để nấu ăn cho công nhân và các em học sinh, thì khó tránh khỏi hậu quả ngộ độc thực phẩm hàng loạt, hoặc về lâu dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thế nhưng lâu nay hành vi chế biến, kinh doanh những loại thực phẩm không đảm bảo an toàn thường xử lý chưa nghiêm, chỉ xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe.

Thực tế Điều 5 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã có quy định cụ thể những hành vi bị cấm trong an toàn thực phẩm: “Sử dụng nguyên vật liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; sử dụng nguyên vật liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc không đảm bảo an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ để chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất kinh doanh thực phẩm”.

Đồng thời Điều 244 Bộ luật Hình sự cũng đã quy định tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm: “Người nào chế biến hoặc cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Chúng ta đã có đầy đủ cơ sở luật pháp để xử lý hình sự về loại tội phạm này, sao chưa mạnh dạn xử lý để ngăn ngừa?

Nguyễn Đước (Quận 5, TPHCM)

  • Hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP

Bấy lâu nay, chuyện nông sản, thủy sản trong nước lép vế trước nông sản, thủy sản ngoại là điều khiến nhiều người phải trăn trở. Và rồi hướng giải pháp sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP (tiêu chuẩn toàn cầu và tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) được đưa ra. Đây là những nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrat), đồng thời sản phẩm phải đảm bảo an toàn từ ngoài đồng ruộng, ao hồ đến khi sử dụng.

Các địa phương, các nhà khoa học đã kêu gọi bà con nông dân thay thế mô hình sản xuất cũ bằng GAP. Thế nhưng nhiều nông dân sau một thời gian áp dụng GAP đã phải quay về cách làm truyền thống, đó là hậu quả của việc chỉ vận động, hô hào suông hiện nay. Không thể trách nông dân khi họ đã bỏ bao công sức, tuân thủ nghiêm ngặt hàng trăm yêu cầu trong quá trình nuôi trồng, thu hoạch nhưng khi sản phẩm làm ra chỉ có 20%-30% được bán theo tiêu chuẩn GAP (giá cao hơn thị trường chút đỉnh). Còn lại, họ vẫn phải vất vả bán xô ngoài chợ với giá tương đương những sản phẩm không theo tiêu chuẩn GAP khác. Sự khác biệt về giá trị và lợi nhuận không có gì rõ rệt, trong khi phải tốn hao công sức nhiều hơn, nên nông dân quay về với cách làm cũ cũng là điều đương nhiên.

Ở đây thấy rõ rằng trong nỗ lực tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm, các nhà nông đã thiếu sự hỗ trợ đắc lực từ Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Muốn hàng nông sản, thủy sản Việt Nam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vươn ra thị trường thế giới, nâng cao giá trị lẫn lợi nhuận, việc sản xuất theo mô hình GAP là tất yếu. Tuy nhiên, nếu cứ để nông dân tự bơi, sẽ đến lúc họ đuối và nản. Đặc biệt là trong vấn đề đầu ra của sản phẩm, sự liên kết giữa các “nhà” cần phải được thể hiện rõ hơn. Cần giúp nông dân an tâm rằng hàng hóa của họ làm ra sẽ được bao tiêu theo một giá trị và lợi nhuận tương xứng với công sức mà họ đã bỏ ra. Muốn được như vậy, vai trò của các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu cần phải thể hiện thật tích cực. Một khi được đảm bảo tương xứng giữa trách nhiệm với quyền lợi, nông dân sẽ không quay lưng với GAP nữa. Và qua đó các sản phẩm nuôi trồng đưa ra thị trường sẽ có chất lượng cao và thực sự an toàn.

Thanh Phúc (Nhà Bè, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục