Khi thấy quyền lợi bị xâm phạm, ảnh hưởng, người dân, đơn vị có quyền chọn một trong hai biện pháp để bảo vệ mình: Khiếu kiện, đưa vụ việc ra tòa, hay theo đường hành chính, gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết theo luật định. Con đường tư pháp, gửi đơn khiếu kiện đến tòa án được nhiều người lựa chọn, bởi bản án của tòa có ưu thế rõ ràng, cụ thể và có hiệu lực, được thực hiện ngay sau khi có bản án phúc thẩm. Thế nhưng, việc chậm thi hành án đã làm nhiều trường hợp đi vào ngõ cụt.
Vì quá bức xúc trước việc chậm thi hành án nên nhiều người dân gửi đơn khiếu nại vượt cấp, không đúng chỗ. Theo luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam), làm như vậy không mang lại hiệu quả cho người dân, mà gây khó cho cơ quan, người nhận đơn. Để không phải gửi đơn khiếu nại lòng vòng, người dân nên nắm chắc quy định: Bản án có hiệu lực của tòa án phải đảm bảo được thi hành, không bị cản trở với bất kỳ lý do gì, trừ trường hợp đã có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của người có thẩm quyền kháng nghị theo luật định. Việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân không nghiêm túc thực thi bản án đã có hiệu lực của tòa án bị xem là hành vi không chấp hành án. Cơ quan thi hành án phải thực thi đúng trình tự, thủ tục, nếu quá thời hạn mà không thi hành thì phải cưỡng chế thi hành án. Người được thi hành án có quyền khiếu nại cơ quan thi hành án vì việc để quá thời hạn, gửi đơn khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan thi hành án, Tổng cục Thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án của Viện Kiểm sát Nhân dân. Chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người có thẩm quyền phải giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.
Để đảm bảo hiệu lực pháp luật Nhà nước và quyền khiếu kiện, khiếu nại của người dân, cần có sự nỗ lực từ chính quyền và người dân. Các cơ quan, tổ chức chính quyền phải thượng tôn pháp luật, gương mẫu thực thi pháp luật, còn người dân cần nâng cao nhận thức, kiến thức luật pháp, để khiếu kiện, khiếu nại đúng việc, đúng chỗ, không gửi đơn lòng vòng, vượt cấp.
Nguyễn Hiền