Làm người tử tế

Làm người tử tế

Tử tế có gốc gác từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, đi vào cuộc sống mang ý nghĩa rộng hơn. Nói ông ấy là người tử tế, có nghĩa ông ấy là người tốt, đáng kính trọng. Nhưng thực tế, có người - nhất là giới trẻ lại xem đó là điều chẳng có trong thế giới ngày nay.   

Ra đường thì phóng nhanh, vượt ẩu, lao lề, nhổ nước bọt, chửi thề, nói cười ồn ào nơi công cộng… Làm việc thì xao lãng, luồn lách, chỉ canh được việc của mình. Gặp người già không cung kính, gặp trẻ nhỏ chẳng nhường. Con đánh cha, cháu giết bà, bạn bè hại nhau, làm ăn gian dối, sản xuất thực phẩm bẩn… Những tư tưởng sai lầm trên đáng tiếc đang tồn đọng trong đầu nhiều người và biến thành hành động khiến lòng tin vào cái tốt đẹp đã giảm sút, dù cái tốt tồn tại rất nhiều. Điều gì đã dẫn đến những cảnh thiếu văn hóa trên?

Các nhà xã hội học đã phân tích các nguyên nhân: Tinh thần thượng tôn pháp luật yếu kém; xã hội chạy theo thực dụng tiền tài, xem nhẹ nhân nghĩa; người lớn bỏ bê việc giáo dục con trẻ trong gia đình, không làm gương, thậm chí còn nói một đằng làm một nẻo; ngoài xã hội cái xấu tràn lan do phim ảnh, mạng internet tác động vào tâm hồn con trẻ, học cái hay, cái tốt đẹp không học lại học cái dở, cái xấu…

Khai trường năm nay, nhiều lãnh đạo nhà nước đến dự lễ tại các trường, đều nhắn nhủ ngành giáo dục, nhà trường, thầy cô giáo cố gắng dạy dỗ học sinh thành người tử tế. Ngoài mục tiêu học cho giỏi để mai này thành người chủ tương lai của nước nhà, các vị còn chú trọng đến việc tu dưỡng đạo đức cho học sinh từ việc nhỏ như đi thưa, về trình; thương cha, kính mẹ, yêu mến bạn bè…

“Hãy làm người tử tế”, một thông điệp cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay.

Thiện Sơn

Tin cùng chuyên mục