Lạm phát đào tạo ngành sức khỏe

Chưa đầy 2 thập niên nhưng có quá nhiều nhóm, ngành khủng hoảng thừa, như: công nghệ thông tin, kinh tế, sư phạm và mới đây nhất là nhóm ngành sức khỏe. Đây là hệ quả tất yếu của việc dễ dãi trong khâu cấp phép mở ngành, cấp chỉ tiêu theo kiểu “ai xin thì cho” nhưng không gắn với nhu cầu tổng thể về nguồn nhân lực phát triển của đất nước.
Lạm phát đào tạo ngành sức khỏe

Chưa đầy 2 thập niên nhưng có quá nhiều nhóm, ngành khủng hoảng thừa, như: công nghệ thông tin, kinh tế, sư phạm và mới đây nhất là nhóm ngành sức khỏe. Đây là hệ quả tất yếu của việc dễ dãi trong khâu cấp phép mở ngành, cấp chỉ tiêu theo kiểu “ai xin thì cho” nhưng không gắn với nhu cầu tổng thể về nguồn nhân lực phát triển của đất nước.

Hướng dẫn kỹ thuật tiêm thuốc cho sinh viên hệ điều dưỡng tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: MAI HẢI

Bùng phát về lượng

Rà soát lại toàn bộ hệ thống trường ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT quản lý, ở hệ ĐH hiện có khoảng 20 cơ sở đào tạo ngành bác sĩ đa khoa, 23 cơ sở đào tạo ngành dược. Hệ CĐ có 41 cơ sở đào tạo ngành dược, 62 cơ sở đào tạo điều dưỡng. Trong số này có rất nhiều trường ngoài công lập. Từ trường mới thành lập cho đến các trường đa ngành cũng đua nhau mở các ngành dược, y đa khoa, điều dưỡng… bất chấp các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.

Để qua mặt đoàn kiểm tra về điều kiện mở ngành sức khỏe, một trường trung cấp tại TPHCM đã thuê nhiều thiết bị y tế mang về trường bày binh bố trận. Khi kiểm tra, đoàn của Bộ GD-ĐT gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, sau đó người trong trường đã tố giác và Bộ GD-ĐT cử thanh tra xuống kiểm tra lại. Cuối cùng sự thật cũng được phơi bày và trường này không được cấp phép đào tạo ở “phút 89”.

Trường CĐ Asean (Hưng Yên) tổ chức liên kết đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, cấp bằng chính quy ngành dược với Trường Trung cấp Vạn Tường (TPHCM) và Trường Trung cấp Việt Anh (Nghệ An) với số lượng 703 sinh viên. Việc liên kết đào tạo này là sai phạm khi không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đáng nói hơn, nhìn vào cơ cấu sinh viên giữa ngành dược và những ngành còn lại ở nhiều trường thật đáng báo động. Tháng 5-2013, quy mô sinh viên của Trường CĐ Asean là 3.313 học sinh, sinh viên nhưng ngành dược có đến 3.288 học sinh, sinh viên, chiếm 99,2%. Trong khi ngành kế toán có 25 học sinh, sinh viên. Những ngành còn lại không tuyển sinh được. Sinh viên các ngành dược, điều dưỡng ở các trường như ĐH Công nghệ Miền Đông, ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Nguyễn Tất Thành… cũng chiếm tỷ lệ khá áp đảo so với những ngành còn lại. Trường CĐ Bách Việt năm 2014 tuyển gần 1.200 sinh viên nhưng trong đó gần 500 sinh viên cho 2 ngành dược và điều dưỡng…

Đáng nói hơn, nhiều trường còn bất chấp quy định, tuyển sinh vô tội vạ đến hàng trăm sinh viên ngành điều dưỡng. Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã âm thầm tuyển sinh đến 214 sinh viên hệ CĐ ngành điều dưỡng. Đáng nói khi chỉ có 80 sinh viên đủ điều kiện tuyển sinh đầu vào, còn lại 95 sinh viên có kết quả thi tuyển sinh năm 2010 dưới điểm sàn và 39 thí sinh dự thi liên thông vào hệ CĐ không phải thi môn đầu vào.

Tuyển sinh dễ dãi

Nói đến đào tạo nhóm ngành sức khỏe, ngay cả những người không làm chuyên môn cũng hiểu rằng, để theo học những ngành này đòi hỏi người học phải giỏi cũng như điều kiện (các trang thiết bị thực tập, thực hành, thí nghiệm lâm sàng…) trong suốt quá trình đào tạo phải luôn đảm bảo.  

Thực tế hiện nay những trường có truyền thống đào tạo nhóm ngành sức khỏe như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Y khoa Vinh… có thể an tâm không chỉ chất lượng đầu vào luôn chọn được những thí sinh giỏi nhất mà chất lượng đào tạo cũng tạo được niềm tin của xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây xã hội cảm thấy bất an khi có một số trường ngoài công lập vừa mới thành lập vài ba năm cũng được tuyển sinh, đào tạo ngành y đa khoa với điểm trúng tuyển  khối B chỉ từ 16 đến 18 điểm. Trong khi đó, với ngành dược, điều dưỡng thì từ trường CĐ đến ĐH gần như trường nào cũng có điểm trúng tuyển làng nhàng 13 điểm (khối A, A1), 14 điểm (khối B).

Trước thực trạng đáng báo động này, nhiều chuyên gia đào tạo nhóm ngành sức khỏe đã quan ngại: “Hiện nay mở trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe không khác nào mở trường đào tạo nhóm ngành kinh tế. Thực tế này quá nguy hiểm vì sản phẩm của trường y là những người chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, chữa bệnh cứu người nên phải có một quy trình đào tạo nghiêm ngặt chứ không thể dạy chay được”.

Trước thực tế trên, liên Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cùng có công văn gửi các trường ĐH nêu rõ 2 bộ đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với ngành dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y dược là động thái tích cực để siết lại chất lượng của nhóm ngành sức khỏe. Cùng với động thái này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với những trường đã được cho mở ngành y đa khoa, ngành dược, điều dưỡng trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT phải hậu kiểm các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thực tập, thí nghiệm, đội ngũ giảng viên). Nếu cơ sở nào khai khống hoặc gian dối, Bộ GD-ĐT phải xử lý nghiêm và có thể thu hồi quyết định mở ngành.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục