Cận tết, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đua nhau “leo thang”. Chúng tôi đến thăm một số xóm trọ công nhân tại TPHCM, chứng kiến cảnh nhiều công nhân cố gắng bươn chải, tận dụng thời gian sau giờ tan ca để làm thêm.
Thắt chặt chi tiêu
Khảo sát tại chợ gần các KCN thời điểm cận tết, có thể thấy mọi mặt hàng đều đã tăng giá. Với mức lương trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng, bài toán chi tiêu của công nhân luôn rất nan giải, thiếu trước hụt sau. Đến xóm trọ của công nhân KCN Tân Bình ở đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình), chúng tôi thấy không khí buổi xế chiều không còn cảnh phòng nào cũng nhộn nhịp nấu nướng chuẩn bị bữa cơm tối, do bữa ăn đã phải đơn giản hơn. Nhìn mâm cơm nhà nào cũng có món chủ yếu là đĩa rau thật to, nhà dư dả chút thì có thêm con cá chiên, nhà khó khăn thì chỉ có chén mắm kho quẹt hoặc dĩa trứng chiên thật mỏng. Nghe hỏi về chuyện sắm sửa tết hay về thăm quê, không ai hào hứng bàn luận. Mọi người cho biết đang gắng làm thêm để có thể trụ được, vượt qua thời khó khăn này.
Chị Triệu Thanh Loan tâm tình: “Mấy bữa nay, không xoay xở được việc gì làm thêm nên tôi đã tiêu hụt vào khoản tiền gia đình đã dành dụm để về quê ăn tết. Gần tết, mua thứ gì cũng thấy đắt hơn. Trước đây cầm 30.000 đồng đi chợ còn nấu được một bữa ăn cho 4 người ăn, giờ tiết kiệm lắm cũng phải mất 40.000 đồng”.
Đến xóm trọ 141/8/11 Nguyễn Thị Định (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Sim Chi. Chị kể: “Gia đình tôi đang phải chi tiêu rất dè sẻn. Tiền nhà và tiền học của 2 đứa nhỏ đâu thể bớt được, nên phải bớt tiền chợ để bù lại. Dù cuối năm nhưng công ty ít việc nên không tăng ca, lương làm giờ hành chính thấp lắm. Trong khi đó, ba tụi nhỏ chạy xe ôm, giá xăng tăng mà mình không dám tăng giá vì sợ mất khách, nên càng thêm túng bấn. Vợ chồng tôi dự tính ra tết sẽ cho 2 đứa con về với ông bà ngoại ở Gia Lai để đi học, tôi rảnh rang còn kiếm thêm việc làm”.
Nỗ lực vượt khó
Trong khi các kế hoạch sắm tết của công nhân “lạnh” dần thì thị trường việc làm thêm lại “nóng” hơn bao giờ hết. Trong dãy phòng trọ ở cuối đường Ngô Bệ (quận Tân Bình), căn phòng của vợ chồng chị Phạm Lan Phương (công nhân KCN Tân Bình) bao giờ cũng sáng điện sớm nhất. Hàng tháng, vợ chồng chị phải dành dụm gửi tiền về cho ông bà nội chăm sóc hai đứa con đang ăn học ở quê và thuốc men cho ông nội đang bệnh. Chạy đủ khoản tiền này ngày càng khó hơn, khiến vợ chồng chị ăn ngủ không yên. Bản thân vợ chồng chị cũng thường xuyên đau ốm, nhưng vì không thể cân đối được chi tiêu trong tình hình thu nhập giảm mà giá vẫn tăng, nên chị đôn đáo lo kiếm thêm việc để tăng thu nhập. Chị quyết định làm thức ăn sáng đem tới cổng công ty bán. “Khoảng 3 giờ sáng tôi dậy thổi nồi xôi đậu, còn chồng lấy bánh bao. Đến hơn 5 giờ là hai vợ chồng đã có mặt ở cổng công ty để bán. Tới giờ làm, mình phải vào làm, nếu bán chưa hết thì chồng đem tới bán ở công trường nơi ảnh làm phụ hồ. Tuy vất vả nhưng mỗi ngày hai vợ chồng cũng kiếm thêm được vài chục ngàn đồng tiền lời”. Chị Phương cho biết, ở công ty của chị cũng có nhiều chị em làm bánh tráng trộn và trái cây gọt sẵn mang vào bán cho đồng nghiệp kiếm chút lời.
Nhiều công nhân trong xóm trọ 74/8/23 Bùi Văn Ba (quận 7) nhận hàng may gia công, cắt chỉ quần áo hay đơm cúc áo dài kiếm thêm thu nhập. Là công nhân may ở Công ty TNHH Việt Hưng (KCX Tân Thuận), nhờ có tay nghề nên chị Nguyễn Thị Vân nhận may gia công quần áo cho một xưởng may tư nhân. Chị cho biết: “Mỗi tối, sau khi ăn tối và dọn dẹp xong, mình may suốt tới nửa đêm mới nghỉ. Giá mỗi áo may gia công khoảng 3.000 đồng, một tối mình may được khoảng 10 áo nên cũng có khoản thu nhập thêm để trả tiền nhà. Vất vả, thiếu ngủ, nhưng thời bây giờ có việc làm thêm được là mừng lắm, vì chỉ trông vào tiền lương thì rất khó trang trải chi tiêu”. Hàng xóm của chị Vân là chị Lê Huyền An thì chọn nghề đến các nhà quét dọn để kiếm thêm thu nhập. Chỉ mất 2 giờ vào buổi tối để quét dọn nhà cho một gia đình ở đường Nguyễn Thị Thập, mỗi tháng cũng có thêm 1,5 triệu đồng.
THU HƯỜNG