(SGGPO) - Cứ vào đầu năm học hàng năm, dù Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT các địa phương đều đã có văn bản yêu cầu khắc phục tình trạng lạm thu nhưng gần như năm nào cũng có những trường hợp phụ huynh bức xúc vì những khoản thu bất hợp lý của nhà trường. Ngày 15-9, báo SGGP nhận được đơn phản ánh của một phụ huynh ở Hà Nội phản ánh vấn đề này.
Theo chị A, một phụ huynh học sinh khối 6 năm học 2016-2017 trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 13-9 vừa qua, chị đã gửi đơn kiến nghị lên Phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng, Sở GD-ĐT TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phản ánh một số hiện trạng bất hợp lý trong việc tổ chức dạy và học tại trường THCS Ngô Gia Tự.
Theo đơn phản ánh, học sinh khối 6 trường THCS Ngô Gia Tự ngay vào đầu năm học phải đóng 3.000.000 đồng, gồm: Quỹ phụ huynh lớp 1.000.000 đồng; tiền mua điều hòa 1.000.000 đồng; 860.000 đồng (số này sau được hội cha mẹ học sinh thu tròn thành 1.000.000 đồng) bao gồm các khoản thu của trường cộng quỹ phụ huynh.
Ngoài khoản chi phí đầu năm 3.000.000 đồng đó, tại buổi họp phụ huynh đầu năm vừa diễn ra, nhà trường thông báo đến phụ huynh các khoản đóng góp như sau: chi phí học tiếng Anh theo chương trình Language Link kỳ 1 là 3.000.000 đồng (tổng 2 kỳ/ năm học 6.000.000 đồng); mua tài liệu Language Link 460.000 đồng; chi phí học thêm chiều 3 môn Văn + Toán + Anh là 1.250.000 đồng/ tháng; chi phí câu lạc bộ và tự học 360.000 đồng/ tháng; chi phí ăn bán trú 30.000 đồng/ bữa (trung bình 22 bữa * 30.000 đồng= 660.000 đồng/ tháng); chi phí trông trưa 150.000 đồng/ tháng.
Như vậy, trung bình hàng tháng, mỗi học sinh phải đóng: 1.250.000 đồng học thêm Văn - Toán – Anh; 600.000 đồng học Language Link (tạm chia trung bình 3.000.000 đồng cho 5 tháng học kỳ 1); 360.000 đồng chi phí câu lạc bộ + tự học; 700.000 đồng ăn bán trú; 150.000 đồng trông bán trú… Tổng chi phí tối thiểu mỗi tháng là trên 3.000.000 đồng. Đáng chú ý, đơn phản ánh của phụ huynh cho rằng, tất cả các khoản mục đều bắt buộc tham gia vì nhà trường giải thích “đây là theo mô hình” và buộc phụ huynh phải thể hiện bằng các đơn đăng ký tự nguyện.
Theo phụ huynh A, các khoản chi phí trên là quá cao so với mức thu của trường công lập, và quan trọng hơn, có những khoản thu cao nhưng hiệu quả học tập của học sinh không tốt. Đơn cử, chương trình liên kết dạy tiếng Anh Language Link. “Con tôi đã được học trong 5 năm học tiểu học ở trường tiểu học Lê Văn Tám (Hà Nội), kết quả rất kém. Trong nhiều giờ học thầy/cô giáo Language Link chỉ ngồi làm việc riêng còn học sinh chơi là chính, hoàn toàn không có giá trị nâng cao như chất lượng quảng cáo trong khi chi phí thì quá đắt”, phụ huynh A cho biết. Đáng nói là ngoài học Language Link, học sinh còn học chương trình tiếng Anh theo sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.
Tuy cho rằng học thêm là nhu cầu của học sinh, nhưng phụ huynh A cũng tính toán, chi phí học thêm 3 môn Văn- Toán- Anh mà trường Ngô Gia Tự thu là quá cao. 1.200.000 đồng/ tháng/3 môn/20 buổi, trung bình mỗi học sinh đóng 400.000 đồng/môn/8 buổi/ lớp 50 bạn, so với đi học thêm ngoài hiện nay khoảng 100.000 đồng/môn/lớp tối đa 10 học sinh. “Thiết nghĩ chương trình dạy thêm của trường tổ chức với mục đích bổ trợ kiến thức cho học sinh thì nên dừng ở 1 buổi/ môn/ tuần là hợp lý với chi phí 500.000 đồng/3 môn/ tháng như một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội hiện đang áp dụng”, phụ huynh A kiến nghị.
Cùng với đó, khoản chi phí Câu lạc bộ và tự học, phụ huynh cũng cho rằng cần trên tinh thần tự nguyện chứ không được bắt buộc là “theo mô hình” như nhà trường thông báo. “Mục tiêu là học sinh “tự học” mà nhà trường vẫn thu tiền thì phụ huynh cũng không khỏi thắc mắc”, phụ huynh A nêu. Ngoài ra, chi phí đóng tiền học thêm 2 tuần trước khi khai giảng (từ ngày 15—8 đến hết ngày 31-8), nhà trường thu tiền học của con em học sinh là 1.250.000 đồng/ 11 buổi. Với chi phí này tính trung bình hơn 100.000 đồng/ buổi/lớp 50 học sinh. Chi phí này quá cao và không căn cứ trên bất cứ định mức nào.
Theo phụ huynh A, không thể phủ nhận thực tế hiện nay, những gia đình có điều kiện kinh tế khá chọn trường dân lập cho con học. Phần đông các gia đình chọn trường công lập cho con em vì lý do rất quan trọng là chi phí học tập thấp. “Nhưng với chi phí này thì các gia đình con em chủ yếu là công nhân viên nhà nước chúng tôi không khỏi lo lắng và băn khoăn khi đầu tư liền trong 4 năm học. Vì ngoài học ở trường, hầu hết các gia đình còn phải đầy tư thêm chi con cái học bên ngoài. Mỗi gia đình có 2 con thì càng phải đắn đo hơn nữa”, phụ huynh A viết trong đơn.
Từ thực tế đó, phụ huynh đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét và có định hướng lại trường THCS Ngô Gia Tự xây dựng chương trình đào tạo cho học sinh nhằm đảm bảo hiệu quả và phù hợp với khả năng tài chính của các gia đình có con theo học tại trường.
| |
PHAN THẢO