Lấn chiếm vỉa hè - Lẽ nào bất lực?

Có thể khẳng định không một con đường nào ở trên địa bàn TPHCM mà vỉa hè không bị lấn chiếm. Người ta vô tư chiếm vỉa hè để trục lợi và vỉa hè - diện tích công cộng đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Mọi chuyện rành rành, ai cũng thấy nhưng chính quyền các cấp vẫn làm ngơ. Vì sao, căn bệnh kinh niên lấn chiếm vỉa hè không có thuốc chữa trị?
Lấn chiếm vỉa hè - Lẽ nào bất lực?

Có thể khẳng định không một con đường nào ở trên địa bàn TPHCM mà vỉa hè không bị lấn chiếm. Người ta vô tư chiếm vỉa hè để trục lợi và vỉa hè - diện tích công cộng đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Mọi chuyện rành rành, ai cũng thấy nhưng chính quyền các cấp vẫn làm ngơ. Vì sao, căn bệnh kinh niên lấn chiếm vỉa hè không có thuốc chữa trị?

  • Bệnh kinh niên

Câu chuyện vỉa hè ở TPHCM bị lấn chiếm ở khắp nơi, khiến người dân bức xúc và báo chí tốn không ít giấy mực. Khảo sát thực tế cho thấy tuyến đường nào cũng chung số phận vỉa hè bị lấn chiếm không thương tiếc và người đi bộ không còn chỗ nào để đi nên phải đi xuống lòng đường.

Điển hình như đường Cách Mạng Tháng Tám - một trong những con đường huyết mạch thuộc địa bàn quận 3, 10, Tân Bình. Lòng đường luôn chật chội và cảnh ùn tắc, chen lấn giữa xe máy và xe ô tô diễn ra thường xuyên. Thế nhưng, các hộ kinh doanh, người buôn bán hàng rong vô tư lấn chiếm gần hết vỉa hè và có những nơi lấn xuống tận lòng đường (đoạn gần chợ Hòa Hưng, quận 10).

Chị Hoàng nhà ở gần chợ Hòa Hưng cho biết: “Vỉa hè dùng để đi bộ nhưng từ lâu đã bị những người kinh doanh cố định lẫn hàng rong lấn chiếm mà chẳng thấy ai bị xử phạt. Người dân như tôi muốn đi lại phải bước xuống lòng đường và chẳng biết lúc nào sẽ bị tai nạn giao thông…”.

Tương tự, đường Võ Văn Tần thuộc phường 5 quận 3 có nhiều đoạn, vỉa hè bị thu hẹp chỉ còn 1-2m và có những nơi không còn chỗ nào để đi bộ vì hàng quán tràn đến tận lòng đường (khu vực gần ngã tư Nguyễn Thượng Hiền). Tuy nhiên, ở khu vực gần trung tâm thành phố tuyến đường này có nhiều đoạn hè phố lại thông thoáng, quy hoạch đúng chuẩn (rộng 6m trở lên). Điều này chứng tỏ chủ nhà, hộ kinh doanh nào tuân thủ quy hoạch thì nơi đó, vỉa hè không bị xâm lấn có chủ ý.

Không còn vỉa hè, người đi bộ phải đi xuống đường (đường Cách Mạng Tháng Tám).

Không còn vỉa hè, người đi bộ phải đi xuống đường (đường Cách Mạng Tháng Tám).

Không chỉ ngang nhiên chiếm dụng hết diện tích vỉa hè để trục lợi, nhiều hộ kinh doanh còn giăng bạt, dựng bảng quảng cáo với đủ màu sắc… khiến không gian vỉa hè bát nháo như chợ trời. Thậm chí có chủ kinh doanh còn xây tường, lợp mái che, để tủ hàng hóa lấn hết vỉa hè nhưng vẫn không bị xử lý.

Có thể kể ra hàng loạt tuyến đường có vỉa hè bị lấn chiếm, không còn nguyên vẹn như các đường Lý Thường Kiệt, Hòa Hảo, Vĩnh Viễn, Trường Sơn (quận 10), Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý (Tân Bình), Hồng Bàng, Tạ Uyên (quận 5)…

Ngay những tuyến đường mẫu về thực hiện văn minh đô thị như Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Chí Thanh, 3-2… cũng nhan nhản những hình ảnh vi phạm không gian đô thị, “xẻ thịt” vỉa hè để kinh doanh, trục lợi. Nổi cộm nhất là tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm quán nhậu xảy ra ở rất nhiều tuyến đường như Hùng Vương, Thành Thái, Quang Trung…

  • Chế tài chưa đủ mạnh

Để trị căn bệnh lấn chiếm vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, các quận, phường đã nhiều lần ra quân rầm rộ xử phạt các hộ kinh doanh, thu giữ phương tiện hành nghề buôn bán nhỏ, hàng rong… Thế nhưng giống như “bắt cóc bỏ dĩa”, chỉ cần chính quyền địa phương lơ là, giảm tần suất kiểm tra là vỉa hè lại bị chiếm dụng ngay lập tức.

Hiện nay mức xử phạt hành vi kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường theo Nghị định 34/CP của Chính phủ đã tăng lên 25 triệu đồng nhưng vi phạm vẫn không giảm. Vì sao? Theo chính quyền địa phương, ngoài lý do nhiều hộ kinh doanh chây lì không chịu nộp phạt, việc xử phạt những đối tượng buôn thúng bán bưng- những người nhập cư, người nghèo là rất khó. Đa phần họ bỏ của chạy lấy người và tiếp tục chạy đến địa bàn khác tìm mọi cách bám vỉa hè để mưu sinh.

Thực tế cho thấy, các giải pháp dẹp nạn buôn bán lấn chiếm vỉa hè dù đã được TPHCM, các quận, huyện triển khai rất nhiều lần nhưng không mang lại hiệu quả. Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng xem thường luật pháp, kỷ cương phép nước mà còn làm cho bức tranh đô thị thêm nhếch nhác, mất trật tự.

Thực hiện chủ trương xây dựng văn minh đô thị, một số tuyến đường trọng điểm đã được chính quyền địa phương tập trung tạo chuyển biến, đã xanh - sạch - đẹp hơn. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tồn tại.

Cách đây hơn 2 tháng UBND TPHCM đã yêu cầu ngành chức năng và các quận, huyện chấn chỉnh việc sử dụng, lấn chiếm lòng, lề đường trên các tuyến đường trọng điểm, kiên quyết kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè; giải tỏa những trường hợp buôn bán, làm dịch vụ giữ xe gây cản trở giao thông. Thế nhưng, khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy mọi chuyện “vũ như cẩn”.

Chính việc buông lỏng quản lý địa bàn, ít kiểm tra xử lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vỉa hè vẫn bị lấn chiếm một cách vô tư. Chỉ cần “vi hành” ở những tuyến đường thuộc địa bàn mình phụ trách, lãnh đạo địa phương sẽ thấy ngay những hình ảnh gây bức xúc như nêu trên.

Vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng chính quyền địa phương - nơi vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm tràn lan - không hề biết hay cố tình bao che? 

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục