
Gần đây, Báo SGGP liên tục nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh về tình trạng lấn hẻm tràn lan nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết rốt ráo. Việc lấn hẻm càng gia tăng và người dân bức xúc, dẫn đến những tranh chấp khiếu kiện…
- Mạnh ai nấy lấn...

Bà con ngụ tại tổ 129, KP6, P.Tây Thạnh Q.Tân Phú TPHCM, phản ánh: hẻm 763/5/30 Trường Chinh bị rào chắn bít lối thông ra hẻm 725 Trường Chinh. Sau khi người dân phản ánh sự việc, ngày 18-3-2009, UBND P.Tây Thạnh họp và đã thống nhất ý kiến: “Không được rào chắn bít lối đi!”. Những tưởng thế là xong, nào ngờ ngay sau đó, các hộ dân tại hẻm 763/3/30 Trường Chinh lợi dụng việc xây hệ thống thoát nước đã tiếp tục rào bít lối đi, không cho người xe qua lại. Ngày 17-4-2009, người dân tại tổ dân phố 129 lại viết đơn đề nghị UBND phường giải quyết nhưng không thấy phường trả lời!
Còn ông Ngô Xuân Thắng, ngụ tại 40/24 đường Trần Thị Nghỉ P7 Q.Gò Vấp (GV), thắc mắc: “Trong khi người dân ở các quận, huyện đã và đang tự nguyện hiến đất mở đường thì tại hẻm 28/7 đường Trần Thị Nghỉ P7 Q.GV, tình trạng lấn chiếm đất hẻm diễn ra vô tội vạ. Hẻm 28/7 Trần Thị Nghỉ bị lấn chiếm lần đầu vào năm 2003 với hình thức làm hàng rào lưới B40 chắn lối đi. Người dân phản ánh, Thanh tra xây dựng phường xuống lập biên bản đình chỉ. Thế nhưng, do phường không tháo dỡ tấm lưới B40 lấn chiếm nên đến tháng 4-2009, các hộ lại xây hẳn bức tường rào kiên cố bằng bê tông thay cho tấm lưới B40 đã cũ”.
Tương tự, người dân ở hẻm 73/6 đường Nguyễn Văn Lượng P10 Q.GV (khu B - Z751), than phiền: hẻm 73/6 Nguyễn Văn Lượng dài khoảng 200m, rộng khoảng 4-5m, là lối đi chung cho hơn 40 hộ dân trong hẻm. Ấy vậy mà vừa qua, chủ hộ nhà số 90 và 93 đã lấn gần 1m đường hẻm để xây cổng; khiến người dân trong hẻm đi lại rất khó khăn. Sau khi bà con phản ánh lên phường thì phường chỉ tháo dỡ phần lấn chiếm của nhà số 93, còn nhà số 90 thì… chừa lại (?). Cho đến nay, bà con trong hẻm cứ thắc mắc không hiểu vì sao chính quyền địa phương lại xử lý thiếu kiên quyết như thế.
Ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ tại số 298/25 đường Ngô Gia Tự P4 Q10 TPHCM, khiếu nại: chủ hộ nhà 298/27 Ngô Gia Tự trước đây đã lấn hẻm công để làm sân riêng. Mới đây, chủ hộ này lại tiếp tục xây thêm một bậc cao dẫn vào nhà khiến việc đi lại ở hẻm càng khó khăn hơn. Người dân phản ánh, phường xuống lập biên bản và yêu cầu chủ hộ lấn chiếm phải tháo dỡ, thế nhưng chủ hộ không ký vào biên bản và không tháo dỡ phần lấn chiếm.
- Buông lỏng quản lý?
Bà con ngụ tại chung cư Cách Mạng Tháng Tám (sau Trường học Trường Chinh) thuộc P12 Q.Tân Bình, bức xúc: “Đường hẻm bên tay phải chung cư CMTT (từ đường Trường Chinh đi vào) trước đây rộng gần 9m, nay bị một quán cà phê lấn chiếm làm nơi buôn bán khiến con hẻm chỉ còn khoảng gần 3m. Hàng ngày, vào giờ cao điểm hay những lúc kẹt xe ngoài đường Trường Chinh, người qua lại rất khó khăn. Người dân tại chung cư đã nhiều lần phản ánh nhưng UBND P12 vẫn làm ngơ, vì lý do “đất công đã được hợp thức hóa” (!?).
Tại hẻm đối diện Trường Nguyễn Văn Trỗi (P3 Q.GV) cũng có một hộ lấn chiếm khoảng 1m đất hẻm, song không hiểu sao cũng được… hợp thức hóa! Khi người dân kiến nghị thì được cán bộ quận chỉ dẫn: “Về làm đơn kiện ra tòa giải quyết”. Một số cán bộ cho biết: việc hợp thức hóa đất hẻm lấn chiếm do những cán bộ trước đây làm, nay họ đã luân chuyển đi nơi khác nên những cán bộ mới về rất lúng túng... Theo Luật sư Nghiêm Xuân Lý, Đoàn Luật sư TPHCM, tình trạng lấn chiếm hẻm công diễn ra tràn lan trên địa bàn TP trách nhiệm thuộc về chính quyền sở tại. Theo Luật Đất đai, nơi nào hợp thức hóa sai thì phải thu hồi lại và có biện pháp xử lý những cán bộ tiếp tay
MINH QUÂN