Khung cảnh gia đình tựa như một khu vườn nhỏ, ở đó có tình yêu thương, sự vun xới, bồi đắp và san sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng. Thế nhưng ở một số cặp đôi, người vợ luôn tỏ ra lấn lướt, “trên cơ” hòng thể hiện uy quyền của mình trong gia đình. Các ông chồng, từ chỗ là những “cột cái” để gánh vác, lèo lái con thuyền gia đình đành trở nên yếu thế. Nhiều mâu thuẫn cũng từ đó phát sinh khiến không ít cặp đôi “tan đàn xẻ nghé”.
Khi vợ nắm “kèo trên”
Quen nhau từ thời sinh viên, ra trường xong là anh Tuấn Huy và chị Thùy Vân (quận Tân Phú, TPHCM) cưới nhau. Là dân tỉnh lẻ, từ miền Trung vào Sài Gòn trọ học, cuộc sống gia đình ở quê cũng không mấy khá giả nên Tuấn Huy luôn cố gắng phấn đấu trong công việc để có được kinh tế khấm khá hơn cho gia đình. Ngược với chồng, Thùy Vân là cô gái gốc thành phố ngay từ nhỏ đã quen với cuộc sống sung túc nơi Sài thành đô hội. Cũng trải qua nhiều cuộc tranh đấu “dữ dằn” từ 2 bên gia đình chỉ vì không môn đăng mộ đối, anh chị quyết đến với nhau bằng được, vì tình yêu. Cưới nhau xong, bố mẹ vợ cho hẳn anh chị một căn nhà mặt tiền ở quận 10 để có vốn liếng ra riêng lập nghiệp.
Thế nhưng, kể từ khi có được căn nhà bố mẹ cho, ỷ lại vào kinh tế gia đình bên mình và coi thường nhà chồng, Thùy Vân trở nên lấn lướt chồng quá mức. Cậu con trai lên 4 tuổi, Thùy Vân đã đem gửi vào trường quốc tế để con biết ngoại ngữ mà chả thèm hỏi ý chồng. Thôi thì chuyện con cái để vợ lo, anh nhủ lòng, thế nhưng chuyện làm nhà, sửa cửa cô cũng tự quyết mà chả hỏi ý kiến anh. Chê chồng lương nhà nước bao giờ mới khấm khá, cô bảo anh xin nghỉ về phụ cô mở công ty riêng, anh một mực từ chối. Việc làm ăn cần xoay vốn, Thùy Vân tự ý rao bán ngôi nhà mà cũng chả thèm xin ý kiến chồng. Đến lúc này, mâu thuẫn vợ chồng anh chị trở nên trầm trọng hơn khi chị luôn “đóng vai” kèo trên và ỷ thế kinh tế khấm khá từ phía mình mà lộng hành.
Vợ chồng anh Lãnh, chị Nga (quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Từ ngay sau ngày cưới đến nay đã có 2 con chung, chị vẫn một cách “quản chồng” là thu lương hàng tháng của chồng để nắm giữ. Từ lúc nào không hay, Lãnh trở nên yếu thế trước vợ, từ đi thăm bệnh, mua quà cho bố mẹ, tiệc cưới đến đi nhậu, anh cũng phải chìa tay xin vợ. Ban đầu anh nghĩ chỉ là “tuân lệnh” cho vợ vui lòng nhưng dần dà chị đã trở thành bà quản gia và tiếng nói của anh chả còn chút giá trị với vợ. Bắt đầu từ chuyện cho con về quê chơi Tết thăm ông bà, chị cũng “tuýt còi” với lý do “về chốn nhà quê đó làm gì?”. Bạn bè anh đến nhà chơi thì chị nhăn nhó, khó chịu vì ồn ào và bảo anh đừng rủ bạn về nữa. Tiền lương anh “nộp” đầy đủ nhưng mỗi lần lấy ra vợ tỏ ra bực dọc, khó chịu khiến anh xấu hổ khôn cùng. Mới đây, khi anh đi công tác, cô bác gọi vào báo mẹ anh ốm phải nằm viện, anh gọi về nói vợ gửi cho mẹ ít tiền để phụ viện phí, chị “dạ, dạ” nhưng sau đó “im bặt” khiến anh về giận đỏ cả người và mối quan hệ gia đình anh cũng trở nên bất hòa từ đó.
Ảnh minh họa
Coi chừng “tràn ly”
Đến lúc vợ bán nhà mà không thèm hỏi ý kiến mình, anh Tuấn Huy giận “đỏ mặt tía tai” vì sự khinh thường chồng quá trớn và ngay tức tốc anh đâm đơn ra tòa ly dị không một mảy may do dự.
Do chị Nga quản quá mức, lấn lướt, chèn ép, anh Lãnh rồi cũng vùng vẫy tìm lối thoát. Lương anh vẫn đều đặn đưa vợ nhưng anh âm thầm lập ra “quỹ đen” để chi tiêu cho mình. Tiền quà cho bố mẹ anh vẫn đều đặn gửi về và anh xa dần những bữa cơm nhà. Cảm mến cô bạn đồng nghiệp nên anh thường xuyên ít về nhà, chuyện “dắt nhau ra tòa” không sớm thì muộn rồi cũng sẽ đến với gia đình anh.
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý hôn nhân và gia đình Đỗ Thị Thảo, gia đình luôn cần một sự yêu thương, quan tâm chia sẻ, đồng cảm. Ở đó vợ chồng luôn tôn trọng nhau để đưa ra những quyết định chung. Chồng vợ mà lấn lướt nhau, tạo nên kèo trên kèo dưới thì khó lòng hạnh phúc, hòa hợp được.
Hoàng tuấn