Làn sóng di dân lan khắp Trung Quốc

Nhật báo Đông phương, Hồng Công, số ra ngày 13-6, dẫn nguồn tin từ một công ty hoạt động trong lĩnh vực di cư ở Bắc Kinh cho biết, số lượng người di cư ra nước ngoài ở Trung Quốc mỗi năm tăng khoảng 30%. Trước đây, chỉ có giới siêu giàu mới di cư ra nước ngoài, nhưng cùng với sự phát triển về kinh tế, vấn đề này trở nên bình dân hóa.
Làn sóng di dân lan khắp Trung Quốc

Nhật báo Đông phương, Hồng Công, số ra ngày 13-6, dẫn nguồn tin từ một công ty hoạt động trong lĩnh vực di cư ở Bắc Kinh cho biết, số lượng người di cư ra nước ngoài ở Trung Quốc mỗi năm tăng khoảng 30%. Trước đây, chỉ có giới siêu giàu mới di cư ra nước ngoài, nhưng cùng với sự phát triển về kinh tế, vấn đề này trở nên bình dân hóa.

        Tỷ lệ tăng liên tục

Báo cáo Di dân quốc tế Trung Quốc năm 2013 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa công bố chỉ rõ Trung Quốc đang ở trong làn sóng di cư ra nước ngoài quy mô lớn lần thứ 3 với sự góp mặt chủ yếu của giới nhà giàu và giới tinh anh nước này. Dự kiến, làn sóng này sẽ kéo dài khoảng 10 năm và lấy đi của Trung Quốc một lượng lớn nhân tài và của cải. Số người giàu ở Trung Quốc ngày càng đông, dự báo đến cuối năm 2013, tổng số triệu phú ở nước này sẽ hơn 12 triệu người. Theo báo cáo trên, 27% trong số chủ doanh nghiệp Trung Quốc có tài sản ròng trên 100 triệu nhân dân tệ (NDT) đã di cư ra nước ngoài, 47% đang xem xét tới việc di cư ra nước ngoài. Trong nhóm có tài sản ròng trên 10 triệu NDT, gần 60% đã hoàn thành kế hoạch di cư ra nước ngoài theo diện đầu tư hoặc đang xem xét kế hoạch này. Trong 3 năm trở lại đây, số di cư theo diện đầu tư ra nước ngoài đã làm chảy ra nước ngoài 15 tỷ USD. Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa Vương Huy Diệu cho biết, chủ thể của làn sóng di cư ra nước ngoài lần thứ 3 đang xảy ra ở Trung Quốc là giới nhà giàu nước này và họ mang theo một lượng lớn tài sản ra nước ngoài. Đây chính là nét nổi bật nhất của làn sóng di cư ra nước ngoài lần này. Tuy nhiên, có phân tích nói rằng làn sóng di cư ra nước ngoài lần thứ 3 không chỉ gây ra chảy máu tài sản, mà còn gây ra chảy máu chất xám, làm Trung Quốc thiệt hại cả về của cải lẫn nhân tài.

Giới nhà giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài tìm địa bàn làm ăn (ảnh minh họa của Yahoo).

Giới nhà giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài tìm địa bàn làm ăn (ảnh minh họa của Yahoo).

        Tìm địa bàn làm ăn mới

Việc chính phủ Trung Quốc lo lắng đến hệ quả “chảy máu tài sản” là hoàn toàn có cơ sở vì giới nhà giàu và doanh nhân nước này đều cho rằng đầu tư vào bất động sản không hấp dẫn bằng hình thức tìm đầu tư qua di cư. Chuyên gia về vấn đề di cư Quan Cảnh Hồng cho rằng, làn sóng di cư ra khỏi Trung Hoa đại lục đã phát triển từ giai đoạn lánh nạn, du học sang giai đoạn xuất khẩu kỹ năng chuyên nghiệp, làn sóng di dân thứ 3 có đối tượng chủ yếu là giới nhà giàu, trong đó lãnh thổ Hồng Công (Trung Quốc), Singapore trở thành lựa chọn di cư đầu tiên của giới nhà giàu. Năm 2012, có 6.500 người nộp đơn nhập cư Hồng Công theo chương trình đầu tư di dân. Tuy “mức vé vào cửa” theo chương trình đầu tư di dân của Hồng Công (10 triệu HKD, khoảng 1,3 triệu USD) cao hơn so với “mức vé vào cửa” theo chương trình đầu tư di dân của Mỹ (1 triệu USD), nhưng vẫn được giới nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng. Nguyên nhân là mức thuế ở Hồng Công tương đối thấp, chính quyền quản lý ngoại hối vừa phải và ở đây có thể chế tài chính tương đối ổn định, thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

Theo tiết lộ của một cố vấn thuộc một công ty tư vấn di cư có trụ sở ở Thâm Quyến (Quảng Đông), gần đây, số trường hợp có nguyện vọng di cư ra nước ngoài tăng nhanh, chỉ tính riêng số hồ sơ di cư ra nước ngoài đi theo đường của công ty này năm nay đã tăng 40% so với năm ngoái. Ông này cho rằng người Trung Quốc nghĩ việc đầu tư tài sản ra nước ngoài tương đối an toàn. Bên cạnh đó, các trường danh tiếng tập trung nhiều ở một số nước như Mỹ và Canada, việc di cư sang đó giúp con cái họ có cơ hội hưởng chế độ giáo dục chất lượng cao. Chế độ dưỡng lão, chế độ phúc lợi và môi trường sống thuận lợi cho người dân ở nước ngoài cũng là nguyên nhân thu hút nhiều người Trung Quốc di cư ra nước ngoài và lãnh thổ Hồng Công.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục