Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở đâu?

Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở đâu?

Ngày 6-10, một nhóm các nhà khảo sát Nhật Bản và Mông Cổ thông báo là đã tìm thấy một phần còn lại  cung điện của Thành Cát Tư Hãn (Thiết Mộc Chân)  nằm trên một thảo nguyên xanh ngát, cách thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ 241 km về phía Đông. Theo suy luận, họ cho rằng có thể lăng mộ của ông nằm không xa cung điện này.

  • Một phát hiện giá trị

Thành Cát Tư Hãn (1162-1227, có sách nói năm 1167-1227), đã thống nhất các bộ tộc và trở thành hoàng đế Mông Cổ vào năm 1206. Sau khi ông qua đời, các hậu duệ của ông đã mở rộng đế chế từ Trung Quốc sang tận Hungary. Năm 1200, vị hoàng đế này đã cho xây dựng cung điện của mình theo hình một chiếc lều vuông đơn giản, gắn với các cột trụ bằng gỗ bao quanh. Và những gì các nhà khảo cổ Nhật Bản và Mông Cổ tìm thấy được cho rằng chính là cung điện này.

Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở đâu? ảnh 1
Tranh vẽ Thành Cát Tư Hãn.

Lúc đầu, các nhà khảo cổ phát hiện những mảnh sứ lạ chôn vùi trong đống đổ nát và khi xem xét chúng, họ phát hiện những chi tiết hoa văn và chất liệu xuất phát từ giai đoạn Thành Cát Tư Hãn.

Sau đó họ đào sâu hơn nữa và phát hiện vết tích của cung điện. Một bản phác họa quang cảnh xung quanh cung điện được vẽ từ thời nhà Tống của Trung Quốc vào năm 1232 cũng khớp với hiện trường khu vực.

Sau phát hiện này, các nhà khoa học tin rằng lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn cũng nằm quanh khu vực này, bởi những văn bản xưa viết rằng các thầy tu thường đi bộ từ cung điện tới khu chôn cất để thực hiện các nghi lễ cho người chết.

Khu vực lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn là một trong những bí ẩn lâu đời của ngành khảo cổ. Theo truyền thuyết, để giữ bí mật, đội ngũ chôn cất hùng hậu của ông giết bất cứ ai nhìn thấy họ trên đường đi vào, và tất cả binh lính, tùy tùng tham dự lễ tang đều bị hành quyết.

Tất cả có đến 2.000 người bị chôn theo Thành Cát Tư Hãn cùng 800 quân lính hành quyết những người này sau đó cùng tự sát để chết theo. Một tài liệu cổ Trung Quốc còn viết rằng một con lạc đà con được chôn cất trong mộ của người đã khuất  ngay trước mặt mẹ nó, để con lạc đà mẹ này có thể dẫn gia tộc hoàng đế tìm tới ngôi mộ khi cần thiết.

Nếu các nhà nghiên cứu tìm thấy lăng mộ, họ có thể sẽ tìm ra cả mộ của Hốt Tất Liệt - cháu của Thành Cát Tư Hãn, người đã mở rộng đế chế xuống Đông Nam châu Á và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của thời nhà Nguyên. Theo những tài liệu cho biết có khoảng 13-14 chiến binh Khan, trong đó có cả Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt được chôn trong cùng một ngôi mộ.

Tuy nhiên, đội nghiên cứu khoa học người Nhật của ông Kato cho biết sẽ không tiếp tục tham gia vào việc tìm kiếm lăng  mộ của Thành Cát Tư  Hãn, mà để lại việc này cho các đồng nghiệp Mông Cổ thực hiện, theo quyết định của Chính phủ Mông Cổ. Họ chỉ làm cố vấn cho các nhà khoa học Mông Cổ.

  • Những cuộc tìm kiếm của các đoàn khảo cổ Mỹ và Nhật
Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở đâu? ảnh 2

Nơi đặt quan tài tượng trưng của Thành Cát Tư Hãn và dòng họ ở Baotou, Mông Cổ.

Việc tìm kiếm lăng mộ  của Thành Cát Tư Hãn từ lâu đã thu hút nhiều nhà khảo cổ học. Năm 2000, một nhóm các nhà khoa học Mỹ được sự tài trợ của một quỹ tư nhân nghiên cứu lịch sử thời đại Thành Cát Tư Hãn đã tiến hành truy tìm lăng mộ của ông.

Trong quá trình tìm kiếm, họ phát hiện nhiều nơi liên quan đến cuộc đời của ông, nhưng lăng mộ thì vẫn còn là điều bí mật.

Ông John Woods, giáo sư của Trường Đại học Chicago (Mỹ), lãnh đạo nhóm này tin rằng khu vực lăng mộ phải nằm ở  Ogloochiin Hereem, vùng xa xôi của tỉnh  Hentii, cách Ulan Bato 322km về phía Đông-Bắc, gần biên giới với Nga.

Điều dẫn ông đến nhận định này chính là việc tìm thấy mộ của 60 binh sĩ thời Thành Cát Tư Hãn, 40 mộ nằm ở độ sâu 2m và 20 mộ nằm sâu hơn. Bao quanh khu vực này là bức tường đá dài 3km, cao 4m được cho là một phần của cung điện cổ của Thành Cát Tư Hãn.

Ngoài ra, đây là khu vực gần nơi sinh của Thiết Mộc Chân và nơi ông xưng đế. Trong một ngôi mộ, người ta thấy vết tích của than củi cháy, xương người và động vật. Tiếp tục tìm kiếm, họ còn thấy bộ xương của một người đàn ông trong quan tài gỗ với một vài tạo tác và công cụ bằng sắt. 

Tuy nhiên, có một điều làm họ nghi ngờ là dưới thời Thành Cát Tư Hãn, nhiều món hàng quý báu cướp bóc được chở về Mông Cổ từ châu Âu, Trung Quốc, Trung Đông, nhưng tại nơi này, họ không tìm thấy bất kỳ những món đồ nào có xuất xứ từ những vùng nói trên.

Nhóm khảo cổ này định tìm kiếm thêm, nhưng Chính phủ Mông Cổ đã phản đối vì cho rằng chỉ có Chính phủ Mông Cổ mới có quyền tài trợ cho cuộc khai quật như thế và các cuộc tìm kiếm chấm dứt vào tháng 5-2003.

Trước đó, năm 1993, một nhóm các nhà khảo cổ Nhật Bản cũng phải chấm dứt việc tìm kiếm sau khi một cuộc trưng cầu dân ý ở Mông Cổ cho thấy người dân không ủng hộ kế hoạch này.
Một cuộc tìm kiếm khác cũng được thực hiện hồi tháng 8-2001 khi các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ tìm thấy gần một ngôi đền ở Mông Cổ những món đồ trang sức bằng bạc và dụng cụ gia đình theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ và có niên đại thế kỷ thứ 8. 

  • Mộ Thành Cát Tư Hãn trên đất Trung Quốc?

Hồi năm 2000, các nhà khảo cổ Trung Quốc ở vùng tự trị Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương) cũng tuyên bố mới phát hiện nơi mà họ cho rằng chính là mộ thật sự của Thành Cát Tư Hãn và mộ của cháu nội ông là Hốt Tất Liệt. Theo họ, khu mộ nằm ở Thanh Hải, phía Bắc Tân Cương. Lăng mộ nằm giữa hai cái hồ thông nhau bằng một con kênh nhân tạo.

Cách lăng 400m là một ngôi mộ  cao 20m với đường kính 78m mà các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng đó là mộ của Hốt Tất Liệt. Trong nhiều năm, các nhà khảo cổ đã đặt giả thiết rằng ông được chôn cất tại cung điện trong vùng núi Altai, gần biên giới với Mông Cổ.

Theo ghi chép lịch sử, Thành Cát Tư Hãn cùng với đội quân đã đến vùng Altai 6 lần. Hiện vẫn còn những dấu tích tàn phá của những chuyến hành quân này. Ông đã qua đời sau khi bị thương trong một lần ngã ngựa ở Altai và các nhà khảo cổ cho rằng có thể ông được chôn cất tại đây.

Để giữ bí mật về ngôi mộ của ông, con cháu và binh lính trung thành đã làm nhiều khu mộ giả. Lịch sử kể rằng, sau khi chôn cất ông, đội quân của ông còn mang xác động vật thối  theo suốt đường về để người ta tin rằng họ đã mang thi hài của ông về tận quê hương. 

Trước đây, Trung Quốc cũng phát hiện một khu lăng mộ và kết luận đây chính là mộ của Thành Cát Tư Hãn. Khu mộ nằm ở thành phố Ordos thuộc vùng Nội Mông của Trung Quốc. Khu lăng mộ này hiện vẫn được mở rộng và sửa sang để người dân vùng Nội Mông thờ cúng, đồng thời thu hút khách du lịch.

Việc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn được ví còn khó hơn  tìm lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Bởi vì Thành Cát Tư Hãn sinh sau Tần Thủy Hoàng, từng ngưỡng mộ công trình Vạn Lý Trường Thành của ông thì cũng có khả năng học cách bảo vệ cuộc sống bên kia thế giới của mình từ vị hoàng đế này.

Tìm được lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn  là mơ ước của các nhà khảo cổ học vì điều đó sẽ giúp họ giải thích được nhiều bí ẩn của lịch sử. Giáo sư Shinpei Kato của Trường Đại học Kokugakuin ở Tokyo cho biết  “Thành Cát Tư Hãn đã chinh phục Á, Âu và xây dựng nên một đế chế hùng mạnh.

Đã có một sự giao thoa lớn giữa Đông và Tây vào thời đó, trên lĩnh vực văn hóa và trao đổi hàng hóa. Nếu chúng tôi tìm được những đồ vật chôn cất cùng ông, chúng tôi có thể viết nên trang sử mới cho lịch sử thế giới”. Người dân Mông Cổ cũng biết rõ khả năng thu hút khách du lịch rất lớn một khi phát hiện được nơi an nghỉ cuối cùng của vị Hoàng đế hùng mạnh nhất của mình.

Nhưng người dân nước này  lại không muốn tìm và khai quật lăng mộ của ông vì theo truyền thống của Mông Cổ, vi phạm lăng mộ tổ tiên là phá hủy linh hồn của vị thần phù hộ cho dân tộc.

QUỲNH NHƯ

 (Theo AP, BBC, China.org.com)

Tin cùng chuyên mục