Mô hình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo thị xã Ngã Bảy với người nghèo, đơn vị đầu tiên của tỉnh Hậu Giang đang triển khai được dư luận đồng tình, Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá cao và nhân rộng.
- Tiếng dân
“Bà con luôn mong mỏi được gặp mặt lãnh đạo như buổi hôm nay. Mong phái đoàn cho biết chúng tôi phải trồng cây gì, con gì để cải thiện cuộc sống. Vì sao đầu tắt mặt tối ngày này qua ngày khác mà hộ tôi vẫn nghèo. Không dám vay vốn vì sợ không trả nổi…”, ông Nguyễn Văn Hà, 66 tuổi, dáng gầy tóc bạc phơ ngồi ngay hàng ghế đầu “nổ pháo” đầu tiên. Nhà ông có 7 công đất, 7 đứa con hầu hết cắm câu giăng lưới qua ngày. Năm nay ông trồng bưởi Năm Roi trên hầu hết phần đất của mình nhưng không hiệu quả.
“Gia đình tôi đang ở đậu, không con, không đất, không vốn lại bệnh nặng kinh niên, sống nhờ chồng bán vé số… Mong được địa phương xem xét hỗ trợ cho nhà ở”, giọng bà Lê Thị Bé hổn hển.
Mới đầu giờ chiều, 50 hộ nghèo của phường Lái Hiếu - thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã nôn nao tập trung đông đủ. Lái Hiếu đã lên phường, người dân trở thành thị dân nhưng thực chất vẫn là những nông dân “rặt”, quanh năm vật lộn với mảnh ruộng miếng vườn, thấp thỏm phập phồng với dịch bệnh, đầu ra tôm cá.
Một cuộc chuyện trò, như những người trong nhà để cùng lo toan san sẻ. “Anh Thạch Sen à, Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ vốn, nhà ở… cho đồng bào Khmer. Mình đã được hỗ trợ xây nhà theo Chương trình 134 rồi trong khi còn gia đình khác khó khăn hơn”; “Nhà tình thương không xuất ngân sách nhà nước mà chủ yếu qua vận động. Chị lo đất được không? Nếu được phường sẽ xem xét vận động cất nhà”; “Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng nhận công nhân, cả lao động phổ thông nhưng thoát nghèo căn cơ nhất vẫn là đầu tư cho con em nâng cao trình độ”…, người dân cảm nhận rõ bản lĩnh và ý thức trách nhiệm của lãnh đạo qua những câu trả lời rất thẳng thắn của ông Trịnh Quang Hưng, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy cùng cán bộ đầu ngành ngân hàng, LĐ-TBXH, kinh tế…
Sự minh bạch, công khai tự nó đã làm nên sức thuyết phục, tạo ra một không khí lắng nghe, cầu thị và đầy trân trọng từ phía những người hỏi và cả những người chưa có dịp đặt câu hỏi lần này. Và quan trọng hơn đã khơi mào cho một tác phong mới, một nền nếp mới. Những bức xúc của dân sẽ được phản hồi cụ thể, nhanh chóng…
- Còn nhiều nỗi lo giảm nghèo
Nuôi con gì, trồng cây gì vẫn là câu hỏi day dứt không chỉ trên cánh đồng mảnh vườn của Lái Hiếu, của thị xã Ngã Bảy. Không biết cách làm ăn cũng là một trong bốn nguyên nhân chính dẫn đến cái nghèo qua khảo sát trên địa bàn thị xã (thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, đông người ăn theo…). Qua đó cho thấy sự năng động, tận tụy và trình độ của cán bộ kinh tế cơ sở đóng vai trò khá quyết định cho việc giảm nghèo ở nông thôn hiện nay.
Tâm lý trông chờ, ỷ lại, mong đợi vào sự hỗ trợ hoàn toàn vào Nhà nước của một bộ phận người nghèo trong khi nguồn lực các chương trình, dự án còn chưa đáp ứng đủ khiến việc xóa đói giảm nghèo thêm gian nan. “Muốn vay vốn bà con cũng cần có kế hoạch, phương án làm ăn cụ thể”, ông Võ Văn Sở, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Ngã Bảy phát biểu.
Trưởng KV3 Phan Văn Vĩnh còn cho biết, thực tế rất nhiều hộ nghèo không muốn cho con em học nghề dù có thể tiếp cận được nguồn vốn bởi “làm mướn có tiền ngay”. Chị Đặng Thị Phương phụ trách Hội Phụ nữ phường Lái Hiếu cho biết, hầu hết hộ nghèo đều được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, nhiều lớp dạy nghề, đan lát, uốn tóc… cho chị em được mở ra nhưng vẫn còn hộ không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ người nghèo (bảo hiểm xã hội, vay vốn, miễn giảm học phí, xét xây nhà tình thương…).
Trước đó, thị xã Ngã Bảy đã tổ chức đối thoại với người nghèo tại các xã Hiệp Lợi, Tân Thành, phường Hiệp Thành, Ngã Bảy. Từ cuối tháng 3-2011, quyết tâm đối thoại với người nghèo đã được các cấp lãnh đạo thị xã triển khai quyết liệt. Hoạt động này phần nào giúp lãnh đạo thị xã đánh giá đúng thực chất đời sống và nguyện vọng của người nghèo. Đồng thời, hộ nghèo cảm nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với đời sống của mình. Cũng là cơ hội giúp lãnh đạo rà soát lại việc thực hiện các chính sách đối với người nghèo, gia đình người có công với cách mạng ở địa phương; giải đáp cụ thể những khúc mắc của người dân, nâng cao ổn định xã hội.
- Bà con nên nghĩ xa hơn
Bí thư Thị ủy Ngã Bảy Trịnh Quang Hưng, tâm tình: “Bà con nên nghĩ xa hơn, cố gắng cho con em học văn hóa, học nghề mới có điều kiện mở mặt lên được. Đoàn thể và ngành lao động xã hội cần hướng dẫn cụ thể để con em hộ nghèo đi học hoặc vừa học vừa làm. Không ai muốn nghèo nhưng vẫn có hộ còn ỷ lại, chưa thấy thoát nghèo là vinh dự, hợp với chủ trương dân giàu nước mạnh trong khi nguồn lực các chương trình, dự án chưa đáp ứng đủ. Qua kiểm tra cũng đã có trường hợp đưa người quen vào hộ nghèo để hưởng chính sách…”. Không chỉ mỗi nơi tiếp xúc với vài chục hộ nghèo, lãnh đạo nơi đây còn quyết tâm chỉ đạo quyết liệt các xã, phường tiếp tục đối thoại với những hộ nghèo còn lại ở địa phương để nắm được nhu cầu của dân.
| |
Nâng cao nhận thức tự vươn lên của chính người nghèo bên cạnh việc giúp họ sử dụng hiệu quả nhất sự hỗ trợ của Nhà nước (vốn, cách làm…) là cách thoát nghèo căn cơ, bền vững nhất. Tuy nhiên, quyết tâm xóa nghèo của chính quyền nếu không có các thông tin cụ thể, hướng dẫn tỉ mỉ cho người dân chắc sẽ ít có tác dụng và sự tin cậy. “Sổ tay hướng dẫn” trong đó giải thích cụ thể, dễ hiểu các nguyên tắc và tiêu chuẩn, thủ tục, cách làm cũng như tên, địa chỉ của các cơ quan và viên chức cần liên hệ… chắc sẽ giúp người nghèo vốn có trình độ văn hóa thấp, ít được tiếp cận nguồn thông tin, hạn chế giao tiếp cơ quan công quyền… thuận lợi hơn trong nỗ lực thoát nghèo?
Xây dựng một cơ chế để người dân được lên tiếng và lắng nghe tiếng nói của họ để điều chỉnh chính sách đích thực là dân chủ. Cái hay, độc đáo của mô hình đối thoại của thị xã Ngã Bảy ở chỗ được triển khai ngay từ cơ sở xã, ấp, có điều tra khảo sát cụ thể và được triển khai quyết liệt, đi vào thực chất. “Sau khi đối thoại với tất cả các xã, phường, thị xã sẽ có hội nghị sơ kết đánh giá lại thực trạng hộ nghèo trên toàn địa bàn…”, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy Trịnh Quang Hưng cho biết. Tiếng nói người dân chính là kênh tham vấn quan trọng cho những giải pháp phù hợp cùng hiệu quả công tác của hội, đoàn thể và các chương trình lồng ghép mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
VŨ THỐNG NHẤT