“Thông qua những lời nhận xét mộc mạc và chân thành của học sinh đối với từng tiết dạy của giáo viên bộ môn, chúng tôi hiểu rõ ưu điểm lẫn nhược điểm của đội ngũ giáo viên trong trường. Từ đó nhà trường sẽ góp ý, chấn chỉnh những thầy cô chưa chỉn chu về tác phong hay chưa tạo hứng thú học tập cho học trò…”, đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến TPHCM, khi nói về việc phát phiếu tham khảo ý kiến cho học sinh.
Trong mỗi phiếu tham khảo, học sinh các khối lớp 10, 11 và 12 được khuyến khích bày tỏ nhận định, suy nghĩ của mình về môi trường giáo dục, trong đó có bạn bè, thầy cô. Để hiểu học trò lớp 10 mới vào trường muốn gì và thích gì, nhà trường đã đưa ra những câu hỏi rất gần gũi như: “Em thích học môn nào nhất và không thích môn nào, vì sao?”; “Hãy nêu vài dòng tâm sự về thầy cô, bạn bè, trường lớp…”.
Và như được cởi mở tấm lòng, nhiều em đã trút bầu tâm sự, nói ra những điều mình thích hoặc không thích, kể cả góp ý cho các hoạt động giáo dục của nhà trường. Bên cạnh những lời khen dành tặng thầy cô dạy hay, dễ hiểu, một số nhận xét về thầy này, cô khác dạy chưa hay hoặc cách truyền đạt khó hiểu... Thậm chí có em nói thẳng rằng không thích môn học của giáo viên L. vì chưa sâu sát với học sinh, bắt làm bài tập nhiều và yêu cầu phải làm đúng. Theo học sinh này, cách thể hiện cứng nhắc - mệnh lệnh của giáo viên khiến học trò áp lực và không hứng thú học môn này. Cũng có nhiều ý kiến góp ý về cách truyền đạt, giảng bài của giáo viên nhanh khiến học sinh không hiểu bài sâu, về nhà phải học lại mất nhiều thời gian. Đa phần cho rằng thầy cô nên giảm bớt kiến thức về lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, làm bài tập…
Thực tế cho thấy, học sinh phổ thông có rất nhiều nỗi niềm tâm sự cũng như bức xúc cần giải tỏa mỗi khi đến trường. Được giải tỏa tâm lý, được bộc bạch những điều muốn nói, muốn nhận xét về thầy cô, bạn bè, trường lớp, các em sẽ thấy nhẹ lòng và cảm thấy mình được tôn trọng. Vì sao có những giờ học luôn tạo cảm hứng, đam mê khiến các em rất thích học và ngược lại, có những tiết dạy nhạt nhẽo, xơ cứng làm các em mệt mỏi, mong mau hết giờ? Tôn trọng và lắng nghe những điều các em bày tỏ, góp ý chân thành là để tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, nâng cao chất lượng dạy và học. Hơn nữa, chúng ta đang hướng đến mục tiêu đổi mới giáo dục, coi học sinh là trung tâm thì cần phải tạo môi trường dân chủ, khuyến khích các em bày tỏ chính kiến và góp ý cho thầy cô làm tốt vai trò truyền lửa, kiến tạo tri thức. Và kinh nghiệm “lắng nghe, thấu hiểu học trò” từ những tờ phiếu tham khảo ý kiến của Trường THPT Nguyễn Khuyến rất cần được nhân rộng trong các trường phổ thông...
KHÁNH HÀ