Lắng nghe và hành động vì trẻ em

Day dứt trong Tháng hành động vì trẻ em
Lắng nghe và hành động vì trẻ em

Bằng những hành động thiết thực, cả nước đang chung tay chăm lo cho trẻ em. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều số phận trẻ thơ bị vùi dập, bạc đãi.

Các bạn trẻ TP cùng đến thăm, chăm sóc và vui chơi với các cháu ở Mái ấm Hoa Hồng, Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Thu Hường

Các bạn trẻ TP cùng đến thăm, chăm sóc và vui chơi với các cháu ở Mái ấm Hoa Hồng, Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Thu Hường

Day dứt trong Tháng hành động vì trẻ em

Những ngày qua dư luận ở TPHCM hết bất bình về việc cháu N.H.A. mới 3 tuổi ở quận Gò Vấp (TPHCM) bị cha dượng hành hạ tàn nhẫn. Cháu bé đang phải nằm điều trị dài ngày ở Bệnh viện Nhi đồng 2 với những chấn thương rất nặng. Vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ cháu phải bươn chải kiếm sống, cháu ở nhà với người cha dượng nghiện ngập, thất nghiệp và thường xuyên bị đánh đập.

Trước đó, ngay trong ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), cháu Châu Văn Thiên Phúc, 13 tuổi, ở Ninh Thuận, bị chính cha mẹ ruột dùng dây xích trói buộc vào cửa và hành hạ dã man khiến xã hội hết sức bất bình. Nhìn thương tật dày đặc trên thân hình nhỏ bé của cháu ai cũng day dứt với câu hỏi tại sao những người sinh ra cháu lại tán tận lương tâm đến thế! Rồi lại thêm câu chuyện thương tâm về bé gái 10 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội, phải nhập viện vì bị bố đẻ đánh đập tàn nhẫn. Và còn rất nhiều trẻ thơ khác nữa bị bạo hành, đối xử tàn nhẫn.

Vì thế nhắc đến Tháng hành động vì trẻ em, chúng ta không thể không day dứt vì còn quá nhiều trẻ em thiếu may mắn, chẳng những không được thụ hưởng những quyền cơ bản là sống, học tập, vui chơi giải trí và được chăm sóc đầy đủ mà còn phải đối mặt với bạo hành, bị tổn thương nặng về thể chất lẫn tinh thần. Trước tình trạng nhiều trẻ em bị chính người thân, cha mẹ hành hạ dã man, những nhà xã hội học đang lo ngại về tính chất thô bạo, hành vi mất nhân tính của những người làm cha, làm mẹ không biết thương yêu con cái mình.

Điển hình là những vụ gây rúng động dư luận như tẩm xăng đốt con trai 3 tuổi (ở Thanh Hóa), cho con uống thuốc trừ sâu (ở Đồng Nai), bắt con ăn phân (ở Hải Phòng)… Những nghiên cứu về nạn bạo hành gia đình cho thấy khi bị xử thô bạo, bị tước đi quyền yêu thương, chăm sóc, trẻ em không chỉ bị tổn thương nghiêm trọng mà còn phát triển lệch lạc về tâm sinh lý. Sự khuyết tật về tâm hồn, lớn lên trong đòn roi, mắng chửi thời thơ ấu sẽ đẩy đưa các em vào con đường bạo hành và coi bạo hành là chuyện bình thường.

Thực tế cho thấy không ít bậc cha mẹ vẫn duy trì cách nuôi dạy con theo kiểu cũ - bằng roi vọt thay vì chia sẻ, lắng nghe con. Do vậy, việc tuyên truyền, giáo dục để người lớn hiểu rõ quyền trẻ em cần phải được nhân rộng để lan tỏa hơn nữa. Bên cạnh đó, vai trò giám sát của các ngành chức năng, tổ chức xã hội, đoàn thể ở từng địa bàn dân cư rất quan trọng trong việc chống xâm hại, bạo hành trẻ em.

Tạo môi trường sống tốt đẹp cho trẻ

Mỗi năm số vụ trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành đều tăng vọt. Theo số liệu của Bộ LĐTB-XH, năm 2009 cả nước phát hiện 3.000 vụ xâm hại trẻ em, đến năm 2011 lên hơn 7.000 vụ, trong đó có đến 800 vụ trẻ em bị lạm dụng tình dục. Thế nhưng những con số giật mình này mới dừng ở những vụ việc bị phát hiện đưa ra xử lý pháp luật, còn lại mảng chìm với những con số còn lớn hơn nhiều chưa thể thống kê được. Chính vì thế, Tháng hành động vì trẻ em nhắc nhở người lớn hãy hành động không chỉ để hiểu và chia sẻ với trẻ em mà cần chung tay tạo một môi trường sống tốt đẹp, an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Những năm qua, TPHCM là địa phương có nhiều hoạt động quan tâm, chăm sóc trẻ em và tạo nhiều sân chơi hấp dẫn cho các em. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP, đội ngũ làm công tác chăm sóc trẻ em vẫn còn thiếu và yếu, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Tình trạng trẻ em bị bạo hành xảy ra trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhức nhối, đau lòng. Trong năm 2011, TPHCM phát hiện 154 vụ xâm hại, gây thương tích cho trẻ em và 4 tháng đầu năm 2012 phát hiện 39 vụ.

Năm nay với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết, TPHCM sẽ tăng cường hơn nữa công tác ngăn ngừa, phát hiện sớm những vụ việc xâm hại trẻ em. Hiện ngành LĐTB-XH TP đang phối hợp với các quận - huyện nắm lại con số trẻ bị bạo hành, bị xâm hại để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Song song đó, TP sẽ tăng cường giám sát công tác này ở khu vực có đông người nhập cư.

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, công tác quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em ở nhiều nơi còn yếu kém, thiếu đồng bộ, vì thế còn rất nhiều vụ việc vi phạm chưa bị đưa ra ánh sáng, chưa bị xử lý nghiêm để răn đe. Do đó, để trẻ em không bị bạo hành, bị xâm hại như đang xảy ra, việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh. Chỉ khi nào chúng ta lắng nghe trẻ em bằng cả trái tim và hành động bằng những việc làm thiết thực thì trẻ em mới được sống trong bình yên, hạnh phúc.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục