Nhà nước ta đang ra sức kêu gọi tiết kiệm, thế nhưng sự lãng phí vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương. Cách đây ít lâu, câu chuyện xây nhà vệ sinh ở tỉnh Quảng Ngãi chỉ lèo tèo vài phòng vệ sinh của trường nhưng được xây đến vài trăm triệu đồng, trong khi trường học thì xập xệ. Ở tỉnh Cà Mau có cảng Năm Căn (thuộc huyện Năm Căn), được nâng cấp từ cảng sông thành cảng biển với tổng vốn đầu tư hơn 111,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần 10 năm đi vào hoạt động, cảng trở nên hoang phế khi không một con tàu cập bến.
Đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, sự lãng phí cũng chẳng kém. Khi đội bóng Arsenal đến Hà Nội, phía Việt Nam huy động hơn 2.000 nhân viên bảo vệ để đảm bảo an ninh. Quả là một con số khổng lồ có thể đăng ký Guinness Việt Nam, vì còn hơn cả việc bảo vệ những nguyên thủ quốc tế. Trong lúc đó, ngày 13-7-2013, Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với huyện Thạch Thất tổ chức khởi công xây dựng tuyến đường mang tên “Đường thanh niên” ở thôn 8, xã Phùng Xá với 1.000 công nhân trên đoạn đường 700m. Sự kiện này chẳng những lãng phí nhân lực mà còn gây trì trệ trong thi công vì 1.000 người đứng trên một con đường 700m thì làm được gì?
Gần đây nhất, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin tỉnh Đồng Nai có dự án xây dựng Bảo tàng Khoa học Đồng Nai tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, với vốn đầu tư lên đến 70 triệu USD (tương đương 1.400 tỷ đồng). Dự kiến, công trình này sẽ động thổ vào năm 2015 và khánh thành vào năm 2018. Theo lập luận của Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai, bảo tàng này không chỉ mang tính chất trưng bày mà còn tổ chức khai thác các hình thức hoạt động du lịch khác và bán vé như Khu du lịch Suối Tiên ở TPHCM. Và theo lập luận này, bảo tàng trên có thể thu về hơn 40 tỷ đồng/năm! Không biết có thu được 40 tỷ đồng/năm như Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai dự đoán hay không, chỉ thấy trước mắt là sẽ lãng phí số tiền quá lớn. Thực tế cho thấy, nhiều bảo tàng ở các tỉnh, thành khác vắng tanh vì không thu hút khách.
Sự lãng phí ở nước ta trở thành ung nhọt đến nỗi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên: “Bao nhiêu công trình lãng phí lộ ra đấy mà chẳng thấy ai bị xử lý, nhìn thấy đấy mà không có ai chịu trách nhiệm”. Vì muốn phô trương, thích hình thức, chạy đua cho “bằng anh bằng chị” mà một số nơi không ngần ngại chi tiền tỷ, nhân lực hùng hậu để làm những việc mà người dân cho rằng không đáng. Nước ta tuy trên đà phát triển nhưng vẫn còn nghèo so với các nước trong khu vực (nói chi thế giới), vậy phô trương hình thức để làm gì? Thay vì lãng phí số tiền ấy, nhân lực ấy, hãy đầu tư vào an sinh xã hội sẽ ý nghĩa hơn, nhân văn hơn. Bởi còn rất nhiều nơi, học sinh không có trường để học, người bệnh phải nằm vật vờ ngoài hành lang bệnh viện vì thiếu giường, người già và trẻ nhỏ lang thang ngoài phố vì không ai chăm nom…
ĐẶNG TRUNG THÀNH