(SGGPO).- Từ năm 2006 đến 2010, ngành tài chính thực hiện hơn 32.900 cuộc thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 2.398 tỷ đồng.
Sáng 5-6, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, từ năm 2006 đến 2010, ngành tài chính thực hiện hơn 32.900 cuộc thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 2.398 tỷ đồng. Từ năm 2006 đến tháng 7-2012, hệ thống kho bạc nhà nước từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng.
Không những vậy, việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư dẫn đến hiệu quả đầu tư dự án thấp. Trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, dù có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tình trạng sử dụng nhà đất không đúng mục đích, bị lấn chiếm hoặc để hoang hóa, khai thác không hết công năng hoặc sai mục đích. Một số nơi buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, để lãng phí. Tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền dẫn đến khiếu kiện đông người vẫn còn xảy ra. Để khắc phục những bất cập hiện hành, một trong những điểm quan trọng trong dự luật sửa đổi là quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Trong đó, bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra lãng phí trong đơn vị mình, tùy theo mức độ vi phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp và liên đới.
Báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, lãng phí biểu hiện phổ biến hiện nay là đưa ra các quyết định gây lãng phí, như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế, xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn... Từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn; vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác. Do vậy, trong luật này cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định gây lãng phí; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh trong trường hợp vi phạm.
Theo kế hoạch, ngày mai (6-6), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án luật này.
NGỌC QUANG