Trong buổi làm việc với TP mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra một số nguyên nhân yếu kém trong quản lý đô thị dẫn đến hạn chế tốc độ phát triển chung. Nhưng đó là các nguyên nhân mà có đến 10 năm trước đã được nhắc đến và nguy cơ 10 năm sau vẫn là nguyên nhân chính, nếu không có một tư duy mới.
Cho đến nay, nhìn lại quá trình phát triển trong nhiệm kỳ trước và chuẩn bị giải pháp để phát triển trong những năm sau, TPHCM đã rất nghiêm khắc kiểm điểm, hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và cải thiện dân sinh; quy hoạch và quản lý đô thị còn nhiều yếu kém; ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.
Hậu quả là tốc độ đầu tư và xây dựng hạ tầng đô thị không đảm bảo phục vụ tốc độ tăng trưởng dẫn đến sự quá tải của hạ tầng đô thị ngày càng nghiêm trọng, gây ùn tắc và tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, hạ tầng chỉ phục vụ có 2,5 triệu dân, nhưng hiện nay dân số đã lên đến 8 triệu thì quá tải là đúng. Nhưng, vấn đề này từ nhiều năm trước cũng đã được đặt ra. Nhiều giải pháp cũng được đề xuất và cái yếu nhất chính là khả năng thực hiện giải pháp nên dẫn đến kết quả như hiện nay. Đây là một điều xót xa, lãng phí thời cơ phát triển của TP.
Quy hoạch nhằm phát triển giao thông TP từ nay đến năm 2020 và có tầm nhìn đến những năm sau, với nhiều hạng mục công trình nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông TP, chủ yếu dựa vào số liệu khảo sát từ những năm 2002. Số liệu quá cũ, nhận định cũ, vậy mà vẫn trình lên Thủ tướng để xin phê duyệt, rồi chưa đầy 11 tháng sau đó lại xin điều chỉnh quy hoạch, mà sự điều chỉnh này rất lớn, trong đó bỏ hẳn một tuyến đường vành đai. Rõ ràng, song song với công tác trình ký quy hoạch trước đây thì TP cũng lại tiến hành các công tác khảo sát quy hoạch mới để xin điều chỉnh. Sự điều chỉnh này dù có phù hợp với tình hình thực tế thì việc trình quy hoạch để Thủ tướng ký hồi đầu năm là một sự đối phó, hay đây là một dạng “tư duy nhiệm kỳ”. Nếu cứ luẩn quẩn như vậy, chỉ làm công tác quy hoạch không cũng sẽ mất nhiều thời gian và đến hết nhiệm kỳ này chưa chắc đã mang lại kết quả như mong muốn.
Lãnh đạo TPHCM cũng nhận xét, trong công tác quy hoạch phát triển đô thị vừa chưa bao quát được mục tiêu dài hạn, vừa thiếu tính cụ thể làm hạn chế quản lý xây dựng theo quy hoạch và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng đô thị. Công tác quy hoạch yếu kém và phải điều chỉnh như vậy không chỉ lãng phí tiền của cho công tác khảo sát và tiến hành quy hoạch mà xét về tổng thể xã hội là một sự lãng phí rất lớn, lãng phí về thời gian và lãng phí thời cơ phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Bởi vì trong thời gian qua, sau khi công bố quy hoạch, nhiều nhà đầu tư đã tính toán các kế hoạch đầu tư của mình theo quy hoạch này, đến nay họ cũng phải hủy bỏ kế hoạch cũ và điều chỉnh hướng đầu tư theo quy hoạch mới.
Văn Thiên Lộc