“Lão teen” Văn Như Cương

Văn Như Cương, cái tên ấy đã thân thuộc với bao nhiêu thế hệ học sinh khi lần giở những trang sách giáo khoa toán học; cái tên ấy cũng từng nổi như cồn khi lần đầu tiên ở Việt Nam từ thời kỳ đổi mới, một trường phổ thông dân lập ra đời và trở thành thương hiệu lớn.
“Lão teen” Văn Như Cương

Văn Như Cương, cái tên ấy đã thân thuộc với bao nhiêu thế hệ học sinh khi lần giở những trang sách giáo khoa toán học; cái tên ấy cũng từng nổi như cồn khi lần đầu tiên ở Việt Nam từ thời kỳ đổi mới, một trường phổ thông dân lập ra đời và trở thành thương hiệu lớn.


1. Năm nay PGS Văn Như Cương đã bước vào tuổi 78. Một thầy giáo đã cao tuổi nhưng hàng ngày vẫn cập nhật thông tin thời sự nóng hổi trên Facebook với danh sách gần 5.000 bạn bè và cả chục ngàn người theo dõi. Cái cách ông chơi mạng xã hội cũng trẻ trung, sống động như giới trẻ, nhưng cũng sâu sắc, đầy trải nghiệm của một người trí thức lớn đã trải qua những thăng trầm của thời cuộc.

Năm 2014, Trường dân lập Lương Thế Vinh - Hà Nội kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Đây là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam từ thời kỳ đổi mới. Và không ai khác, PGS Văn Như Cương chính là vị hiệu trưởng của trường với quá trình xin phép mở trường đầy gian nan. Trải qua 1/4 thế kỷ, Trường dân lập Lương Thế Vinh đã gầy dựng được thương hiệu lớn của mình, trở thành một trong những ngôi trường được người học xếp hàng “chạy đua”. Ở Hà Nội, không tính các trường chuyên thì Trường dân lập Lương Thế Vinh xếp thứ nhất về điểm thi đại học.

Thầy Văn Như Cương.

Có được những thành quả đó, phương châm của trường là “Thầy ra thầy, trò ra trò” và vai trò của vị hiệu trưởng Văn Như Cương là dấu ấn đậm nét. Từng ấy năm làm hiệu trưởng là từng ấy năm ông lăn lộn với những vất vả, gian truân của người “mở đường” trong thành lập trường dân lập. Cho mãi đến năm 2014, khi tuổi đã già, sức đã yếu, người lại mang bệnh hiểm nghèo, ông mới rời vị trí hiệu trưởng, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường. Trong buổi lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường, PGS Văn Như Cương đọc bài diễn văn chỉ trong 120 giây. “Tôi tin rằng, 25 năm qua - thầy giỏi, trò hay, góp cánh hoa thơm cho đất nước. Nhiều thập kỷ tới - dân tin bạn mến, tặng chùm quả ngọt tới quê hương”, ông khiêm nhường khẳng định. Trên Facebook của ông, mỗi lần ông cập nhật một trạng thái mới, thì không chỉ học trò hiện nay, mà cả hàng ngàn học trò cũ, các bậc phụ huynh lại thể hiện lòng kính trọng, sự biết ơn của mình. Qua những hành trình ông đi và chia sẻ, thấy ông như một tiên ông với bộ râu dài bạc trắng, đi khắp thế gian, truyền dạy kiến thức và vun vén lối ứng xử hay cho học trò.
 
2. Thầy Văn Như Cương được nhớ nhiều với những bức thư, bài diễn văn lay động tâm can dành cho học trò của ông. Nhớ lại Tết Nguyên đán năm 2014, khi học sinh chuẩn bị nghỉ tết, ông đã viết một bức thư đăng trên Facebook của mình. Như nhiều lá thư từng gửi đến học trò, phụ huynh, lá thư tết của thầy có lời lẽ ân cần nhưng đầy hóm hỉnh. Ngoài những lời nhắn nhủ hãy hướng đến gia đình trong dịp tết, thầy Văn Như Cương còn mong học trò biết cách sử dụng tốt khoản tiền lì xì. Thầy đề nghị các em không nên sử dụng số tiền đó một cách hoang phí trong dịp tết. Thầy mong muốn các em có một nghĩa cử: trích ra một ít từ tiền mừng tuổi của mình để “lì xì” đầu năm cho Quỹ tình thương của trường. Trích ra bao nhiêu phần trăm từ tiền mừng tuổi là tùy các em, không có cũng không sao. Còn thầy, số tiền mà thầy ủng hộ sẽ bằng tổng số tiền mà tất cả các em ủng hộ. “Chúng tôi mong học trò rèn luyện được thói quen học ra học, chơi ra chơi và lối sống điều độ”- đó là tâm sự của ông về bức thư ngày tết đó.

Cũng trong năm 2014, ông đã tạo nên một lễ khai giảng độc đáo của trường mình với màu cờ đỏ và bài diễn văn gây xúc động triệu trái tim. Tại lễ khai giảng thấm đẫm tình yêu đất nước đó, tất cả giáo viên, học sinh được mặc bộ đồng phục với lá cờ linh thiêng của Tổ quốc Việt Nam. “Buổi tựu trường hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè , yêu thầy cô”... Bài diễn văn của vị hiệu trưởng đã làm lay động cả triệu con tim.
 

Thầy Văn Như Cương và các học trò.

3. Mấy tháng qua, sức khỏe của PGS Văn Như Cương là nỗi quan tâm của nhiều người. Ông bị ung thư gan. Dáng ông đã gầy càng trở nên gầy đi. Tóc, râu thêm bạc. Màu da xám lại. Nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến cho ngành giáo dục. Ốm quá thì nằm viện điều trị. Khỏe ra thì lại đến trường, hội thảo, họp hành. Có những hội nghị của ngành giáo dục, ông vẫn dự và phát biểu tâm huyết dù giọng nói đã nhỏ đi rất nhiều.

Ngày 4-1-2015, trên Facebook của mình ông đăng mấy câu thơ: Mắc bệnh ung thư quả thật rồi. Nên đành vĩnh biệt rượu bia thôi! Khi nào nhạt miệng, tìm chai nước. Pha chút men say của đất trời. Ở tuổi gần 80, ông nói cái chết đã nhẹ tựa lông hồng, nhưng còn có thể chiến đấu, thì phải chiến đấu để giành lại sự sống. Bởi vậy mà ông kiên cường, vui vẻ chiến đấu với căn bệnh ung thư để khỏe ra, để ngày ngày vẫn cập nhật những trạng thái nóng bỏng trên Facebook có hàng chục ngàn người theo dõi của mình cũng như tiếp tục đóng góp tâm huyết của mình cho nền giáo dục. Ngày giáp tết, gọi điện thoại cho ông, ông vui vẻ nói: Giờ bệnh đỡ hơn nhiều rồi, hàng ngày tập thiền dưỡng sinh, sẽ tốt đẹp lên chứ!
Ông là vậy, một ý chí kiên cường trong mọi hoàn cảnh.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục