Lấp lỗ hổng y tế biển, đảo

Bộ Y tế đang xây dựng “Đề án phát triển y tế biển, đảo đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” với mục tiêu nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió. Tại hội nghị “Báo cáo sơ kết công tác y tế 9 tháng đầu năm 2012 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch 2013” vừa diễn ra tại TPHCM, các đại biểu đã góp ý đề án trên trước khi trình Chính phủ.
Lấp lỗ hổng y tế biển, đảo

Bộ Y tế đang xây dựng “Đề án phát triển y tế biển, đảo đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” với mục tiêu nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió. Tại hội nghị “Báo cáo sơ kết công tác y tế 9 tháng đầu năm 2012 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch 2013” vừa diễn ra tại TPHCM, các đại biểu đã góp ý đề án trên trước khi trình Chính phủ.

Vận chuyển một bệnh nhân từ đảo Trường Sa về điều trị tại Bệnh viện quân y 175. Ảnh: DUY THANH

Vận chuyển một bệnh nhân từ đảo Trường Sa về điều trị tại Bệnh viện quân y 175. Ảnh: DUY THANH

Lắm bệnh... đổ đầu

Theo khảo sát của Bộ Y tế, tỷ lệ các thành viên trong một gia đình trên các huyện đảo có ít nhất một bệnh chiếm đến 70,5%. Bệnh tật liên quan tới nghề nghiệp đặc thù của vùng biển, đảo thường gặp ở nhóm người dân đánh bắt hải sản xa bờ, dân làm nghề lặn khai thác thủy, hải sản, thủy thủ tàu vận tải, người lao động trên các giàn khoan, nuôi trồng thủy, hải sản ven bờ… Kết quả nghiên cứu của Viện Y học biển tiến hành trong 10 năm qua cho thấy, một số bệnh tật phổ biến ở cư dân vùng biển, đảo là hội chứng rối loạn chuyển hóa (60% - 80%), bệnh tim mạch, bệnh rối loạn hành vi và tâm thần, rối loạn thần kinh chức năng…

Đặc biệt các tai biến do lặn biển, tai nạn, bệnh răng miệng (chiếm 37,1% - 48,2%). Với người dân đánh bắt hải sản xa bờ, một số nghiên cứu cho thấy nhóm ngư dân hành nghề này thường có tỷ lệ mắc các bệnh như tim mạch (33,5%), tiêu hóa (35,1%) và bệnh hệ xương khớp (36,1%), viêm đường hô hấp trên, giảm thị lực, bệnh ngoài da… cao hơn so với tỷ lệ mắc của nhóm cư dân sống trên đất liền…

Mặc dù nhiều bệnh tật “đổ đầu” như vậy, nhưng hệ thống y tế biển, đảo còn rất nhiều hạn chế. Theo Bộ Y tế, hệ thống y tế biển, đảo được tổ chức theo quy hoạch chung trong hệ thống y tế quốc gia, nhưng năng lực của các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế xã đảo còn khiêm tốn, các dịch vụ y tế chưa bao phủ hết đối với quân và dân đang sinh sống, làm việc trên biển, đảo.

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), hệ thống y tế của các bộ, ngành có hoạt động kinh tế trên biển chưa đáp ứng được việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe người lao động và thực hiện những quy định quốc gia, quốc tế. Việc liên kết các lực lượng y tế trên biển, đảo của các địa phương chưa toàn diện. Bộ Y tế nhìn nhận, từ năm 1991 đến nay, mô hình kết hợp quân dân y mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều bất cập do thiếu cơ chế để liên kết các lực lượng y tế, chính sách xã hội chưa phù hợp…

Cần đầu tư phát triển rộng

Theo số liệu điều tra năm 2012 của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), chỉ có 33,6% số trung tâm y tế huyện biển, đảo được xây mới, 31,1% chưa có cơ sở riêng, 35,3% cần xây mới và nhiều trạm y tế xuống cấp trầm trọng. Đáng nói, nguồn nhân lực cơ sở y tế biển, đảo thiếu thốn, chỉ có 46,7% số trạm y tế xã đảo có bác sĩ. “Nhìn chung hệ thống y tế nhân dân vùng biển, đảo hiện tại vừa thiếu, vừa chưa đủ năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe quân và dân trên biển, đảo phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá.

Về mạng lưới quân dân y cơ bản bao phủ toàn bộ tuyến biển, đảo với nhiều hình thức tổ chức như bệnh xá, đội điều trị, tổ quân y… Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, lực lượng này còn mỏng, chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp, trang thiết bị và thuốc thiết yếu còn hạn chế, phương tiện vận chuyển khó khăn.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, các trường hợp cấp cứu từ biển, đảo khi chuyển về đất liền thường không kịp thời, ở giai đoạn muộn của bệnh. Lãnh đạo một số sở y tế có biển, đảo như Bình Thuận, Vũng Tàu cũng thừa nhận mạng lưới y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cũng như mô hình bệnh tật ở các vùng biển, đảo. Do đó, cần mở rộng diện bao phủ dịch vụ y tế chất lượng cao với các chuyên khoa và có hệ thống cấp cứu, vận chuyển hoạt động có hiệu quả.

Theo các chuyên gia y tế “Đề án phát triển y tế biển, đảo đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” trước hết cần tăng cường y tế dự phòng cho người dân vùng biển, đảo. Đó là tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết hay các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường…

Mặt khác, tạo điều kiện cho người dân vùng biển, đảo tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh (hiện trên 80% tổng số gia đình có nhu cầu), nhất là dịch vụ y tế chất lượng cao. Cần áp dụng ưu tiên đào tạo, cử tuyển cho cán bộ y tế, nhân dân trên biển, đảo. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận đề án này sẽ tạo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho quân, dân đang công tác, sinh sống ở các vùng biển, đảo


Các chỉ tiêu đến 2020

Thời gian thực hiện đề án từ 2013 đến 2020 với kinh phí dự kiến 8.200 tỷ đồng. Mục tiêu là 80% số trạm y tế xã đảo đạt tiêu chí quốc gia về y tế biển, đảo; đầu tư 4 trung tâm cấp cứu trên biển, 6 bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh, 4 tàu bệnh viện cấp cứu trên biển; 100% trung tâm y tế huyện đảo có đủ năng lực phòng chống dịch và tiêm chủng mở rộng; 90% cơ sở y tế huyện đảo, ven biển và ngành kinh tế biển có bác sĩ đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù biển…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục