Lấy đâu ra

- Kỳ toàn tập. Lúc trước thì rộ lên chuyện cho con nít lên sân khấu ca nhạc thi thố với các bài hát dành cho người lớn. Mười tuổi hay tám tuổi đều có thể hát về tình tan vỡ, khúc chia phôi nghe muốn nổi da gà. Vụ đó vừa lắng xuống, giờ lại có mốt cho ca sĩ người lớn cưa sừng làm nghé, hát bài thiếu nhi.

– Thế họ hát có hay không?

– Làm sao hay nổi, khi cứ phải cố ém giọng cho non nớt, ngây thơ? Rồi để ra vẻ nhí, họ còn phải thắt khăn quàng, mặc đồ học sinh, hoặc giả bộ nũng nịu. Rốt cuộc khán giả phải gồng mình nghe hát. Còn người dàn dựng thì ráng dùng chiêu trò kỹ thuật để làm mờ những chỗ phô.

– Nhưng nguyên nhân là thiếu bài hát, hay thiếu… i ốt?

– Thiếu cả hai. Cả một thời gian dài, nhạc sĩ chỉ chăm chăm chế tạo những bài theo xu hướng thời thượng. Bài hát rất nhiều, nhưng nghe đi nghe lại cứ thấy quen quen, gồm yêu, khóc, bay và mưa rả rích! Thêm cái nữa, cuộc thi mang tên “Bài hát xứ mình”, nhưng thí sinh toàn hát bằng tiếng Anh.

– Ban giám khảo với huấn luyện viên toàn người nổi tiếng, không giúp được gì à?

– Họ ngồi đó chủ yếu vì cát xê cao vút, chứ không phải vì sự nghiệp âm nhạc. Nhiều tên tuổi, nhiều chiêu trò trên sóng tivi, đó là điều kiện duy nhất cho phát triển… quảng cáo!

– Nghe phát nản. Cứ thế này, bài hát có sức sống bền chẳng biết lấy đâu ra!

TƯ QUÉO

Tin cùng chuyên mục