Từ một đại học (ĐH) dân lập Thăng Long được thành lập dưới hình thức thí điểm vào năm 1988, hiện nay Việt Nam đã có một hệ thống gồm 84 trường (60 trường ĐH và 24 trường cao đẳng - CĐ) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước, ước tính đã gánh đỡ cho ngân sách nhà nước khoảng từ 50.000 - 60.000 tỷ đồng.
Trụ sở trường ĐHDL Văn Lang
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga, hệ thống ĐH-CĐ ngoài công lập đã phát triển ngành nghề đào tạo đa dạng hơn, số lượng trường tăng, đội ngũ giáo viên phát triển nhanh. Tuy nhiên, các trường ĐH-CĐ ngoài công lập có nhiều bất cập về cơ sở vật chất, đa số chưa đi vào những vấn đề chiến lược phát triển lâu dài như đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý điều hành trường. Có rất nhiều trường ĐH ngoài công lập, đặc biệt là các trường dân lập xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài, khiếu kiện vượt cấp làm uy tín nhà trường sút giảm và tuyển sinh ngày một khó khăn… Dù thực tế như vậy, nhưng Bộ GD-ĐT luôn nhất quán là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường và tạo điều kiện các trường ĐH ngoài công lập.
“Trong bối cảnh hiện nay, Bộ chủ trương không cho thành lập các trường ĐH công lập nhưng những trường ĐH tư thục có đầu tư lớn, chất lượng cao và không vì lợi nhuận vẫn được trình Thủ tướng xem xét, quyết định”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.
Có thể thấy, hệ thống trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc, nhiều người học không lựa chọn ĐH ngoài công lập dù cơ hội học ĐH công lập không còn. Trừ những trường tạo dựng được thương hiệu, xã hội mất lòng tin với chất lượng của khá nhiều trường ĐH ngoài công lập, nhiều nhà tuyển dụng quay lưng. Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có nguyên nhân là hành lang pháp lý chưa đồng bộ dẫn đến nhiều điều hạn chế, bất cập trong quản lý... Tuy nhiên, có một lý do rất quan trọng, đến từ chính nội tại các trường ĐH ngoài công lập.
Để bảo đảm chất lượng ĐH ngoài công lập cũng như chiếm được lòng tin của xã hội, các trường ĐH ngoài công lập cần thực hiện đầy đủ cam kết đầu tư phát triển nhà trường trong dự án thành lập trường; xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, tạo thương hiệu, tăng uy tín trong công tác tuyển sinh; thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, đặc biệt là việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục để hoạt động trong hành lang pháp lý. Cùng với đó, điều mà hệ thống ĐH ngoài công lập cần, là được phát triển bình đẳng với hệ thống các trường ĐH công lập, được trao quyền tự chủ đầy đủ để cùng cạnh tranh lành mạnh, phát triển. Do vậy, các bộ ngành, các địa phương, cần tiếp tục hỗ trợ các chính sách cần thiết để các trường ĐH ngoài công lập phát triển như chính sách đất đai, thuế, tạo điều kiện cho các trường ĐH ngoài công lập tiếp cận với các khoản vay ưu đãi…
PHAN THẢO